Moscow cần và không cần lao động Việt

Một quán phở người Việt ở Moscow. Ảnh: TL

Một quán phở người Việt ở Moscow. Ảnh: TL

Sau khi Liên Xô tan rã, nền kinh tế của nước Nga nói chung và thủ đô nói riêng lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn, một số người Việt đã kịp về nước, nhưng còn bộ phận đáng kể thì ở lại Nga. Để sống còn, bộ phận người Việt này đã bắt tay vào kinh doanh.

Trong những năm 1990 đầy gian nan, các thương nhân Việt tại Moscow cung cấp cho dân thủ đô và cư dân các khu vực Trung Nga những mặt hàng quần áo và đồ dân dụng thiết yếu, giá cả phải chăng mà chất lượng cũng không đến nỗi nào. Khi tình hình kinh tế Nga đổi thay theo chiều hướng ngày càng tốt đẹp hơn, người ta không chỉ “ăn chắc mặc bền”, người Việt ở Moscow chuyển hướng kinh doanh. Họ mở các nhà hàng và xí nghiệp chế biến đồ ăn nhanh, một phần khác, là lĩnh vực phục vụ đời sống, sản xuất đồ ăn bán thành phẩm, dịch vụ y tế phương Đông (Đông y), thậm chí cả nghề sửa chữa bảo dưỡng ô tô và các dịch vụ giao thông vận tải.

Thành phố Moscow hiện đại đang tiến hành công cuộc xây dựng đại quy mô. Trong đó không chỉ xây dựng những khách sạn, trung tâm kinh doanh hoành tráng mà còn là chung cư tân kỳ. Theo quyết định của thị trưởng và chính quyền thủ đô, sẽ thay thế toàn bộ quỹ nhà thuộc công trình đô thị trước đây. Bên cạnh đó là mở nhiều đường mới, tạo nhiều đầu mối giao thông với cầu nối, cầu vượt và dải phân cách, xây dựng những tuyến đường và nhà ga xe điện ngầm mới.

Để thực hiện chừng ấy khối lượng công việc, sẽ là không đủ, nếu chỉ trông vào lực lượng công nhân xây dựng của thủ đô và các khu vực Nga. Do đó, cần thu hút những người thợ xây dựng từ các thành phố lớn của Việt Nam.

Một điều có thể yên tâm, là thợ Việt Nam chăm chỉ và có tay nghề, biết dùng thành thạo các dụng cụ và kỹ thuật của Nga và phương Tây sản xuất. Họ đã có kinh nghiệm làm việc tại các công trình xây biệt thự, nhà cao tầng, cũng như lắp đặt những cây cầu lớn. Công tác lãnh đạo những người thợ Việt Nam, tốt nhất là trao cho các kỹ sư người Việt, đa số là các cựu sinh viên các trường đại học xây dựng của Liên Xô và Nga.

Cũng có thể luận bàn y như vậy, về các xí nghiệp công nghiệp và công ty giao thông tại thành phố. Hiện nay, các cơ sở này thực sự đang phải chịu “cơn đói” khan hiếm chuyên gia. Đôi khi khó kiếm đâu ra người đứng máy, sửa chữa xe tải và xe buýt.

Để bù đắp sự thiếu hụt nhân lực chuyên gia, nên mời những người Việt Nam có chuyên môn nghiệp vụ đến Moscow làm việc. Đã có không ít minh chứng về trình độ chuyên môn thuần thục của những người Việt làm thợ máy, thợ nguội và thợ cơ khí xe hơi. Họ có khả năng, và hẳn là luôn sẵn lòng chia sẻ cho lớp thanh niên Nga các bí quyết nghề nghiệp.

Một thí dụ khác, là lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ. Trong khoảng 10 – 15 năm lại đây, có xu thế gia tăng về mối quan tâm của người dân Moscow đến nền y học phương Đông. Hiện tại, ở một số quận trong thành phố, có những phòng y học Đông phương, khám chữa bệnh thu phí. Trực phòng khám và tham gia chu trình chuyên môn ở đó, có bác sĩ người Việt, không chỉ điều trị mà còn đồng thời dạy những cách thức chữa bệnh “theo kiểu Việt Nam” cho các đồng nghiệp Moscow. Ai cũng hài lòng. Phương hướng này cần được phát triển.

Ông Vladimir Lebedev, phó giám đốc sở Ngoại thương và quan hệ quốc tế của Moscow nói: “Chúng tôi ủng hộ ý tưởng thu hút lực lượng nhân công người Việt ở Moscow. Nhưng cũng xin thẳng thắn thông báo với đối tác Việt Nam rằng chúng tôi không cần loại hình lao động giản đơn manh mún và người buôn bán ở các chợ. Như vậy không thú vị cho chúng tôi, mà cả với phía Việt Nam hẳn cũng vậy. Moscow cần những người có thể hoàn thành công việc có chuyên môn nghiệp vụ, cùng với triển vọng. Khi ấy, người nhập cư làm việc sẽ nhận được cả sự bảo vệ về pháp luật, và cả những đảm bảo về mặt xã hội”.

Dmitry Shorkov

Theo  SGTT

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm