Mong APEC thảo luận về biển Đông

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2015 sẽ diễn ra ngày 18 và 19-11 tại Manila (Philippines). Một vấn đề các quốc gia trong khu vực, thế giới và dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm là chương trình nghị sự của hội nghị APEC có bàn về biển Đông hay không.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước chủ nhà, Philippines sẽ không đưa vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự chính thức, tuy nhiên sẽ có đối thoại song phương Mỹ-Philippines về biển Đông nhằm đối phó với các thách thức từ Trung Quốc sau chuỗi sự kiện liên quan đến hoạt động xây dựng đảo và công trình nhân tạo của Trung Quốc trên các đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, dư luận khu vực và thế giới rất mong muốn APEC đưa vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự chính thức. Thế nhưng về bản chất APEC là diễn đàn nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa 21 quốc gia thành viên.

Mong APEC thảo luận về biển Đông ảnh 1
Hải quân Philippines với dàn phòng không đảm trách bảo vệ an ninh cho hội nghị APEC. Ảnh: AP

Mục tiêu của APEC theo Tuyên bố Seoul 1991 là:

(i) Duy trì tăng trưởng và phát triển vì lợi ích chung của nhân dân các nền kinh tế trong khu vực, góp phần vào tăng trưởng và phát triển chung của kinh tế thế giới.

(ii) Phát huy những tác động tích cực của sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng đối với kinh tế khu vực và thế giới bằng cách đẩy mạnh giao lưu hàng hóa, dịch vụ, vốn và công nghệ.

(iii) Xây dựng và tăng cường hệ thống thương mại đa biên, vì lợi ích của châu Á-Thái Bình Dương và các nền kinh tế khác.

(iv) Giảm dần những rào cản đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa các nền kinh tế thành viên phù hợp với các nguyên tắc của WTO và không có hại đối với các nền kinh tế khác.

Tuyên bố Bogor 1994 bổ sung mục tiêu lớn của APEC là thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư tại châu Á-Thái Bình Dương đối với các nền kinh tế phát triển vào năm 2010 và đối với các nền kinh tế đang phát triển là năm 2020. Mục tiêu này cũng là quyết tâm và động lực để 12 quốc gia hữu quan hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ngày 5-10 vừa qua.

Chính vì vậy, chương trình nghị sự của APEC tập trung bàn về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, APEC vẫn có thể bàn đến các vấn đề chính trị quốc tế, mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên và mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên và thế giới liên quan đến phát triển bền vững và thịnh vượng của các quốc gia thành viên và thế giới.

Trung Quốc đã xây dựng đảo và công trình thiết bị nhân tạo trên bảy đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đồng thời đã tuyên bố các đảo nhân tạo có vùng biển và vùng trời “bất khả xâm phạm”. Trung Quốc còn tuyên bố cấm tàu thuyền và máy bay nước ngoài hoạt động trong vùng biển và vùng trời trên các đảo nhân tạo trong giới hạn 12 hải lý.

Về phương diện luật quốc tế, kinh tế, thương mại quốc tế, các hành động nêu trên của Trung Quốc đã và đang tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại khu vực và thế giới.

Chính vì vậy, nếu Philippines quyết định đưa vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự của APEC sắp tới thì chắc chắn sẽ nhận được đồng thuận của các quốc gia thành viên, nhằm tạo phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế để bác bỏ yêu sách vô lý, phi pháp và ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông, góp phần bảo vệ hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại khu vực và thế giới.

Ngày 27-10, Mỹ điều tàu khu trục USS Lassen tuần tra trong vùng biển 12 hải lý quanh đá Subi, một trong bảy đá Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988. Đến ngày 12-11, Mỹ điều máy bay ném bom chiến lược B52 bay qua biển Đông. Đặc biệt ngày 27-10, Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) đã ra phán quyết “có thẩm quyền giải quyết” vụ Philippines kiện Trung Quốc (Philippines khởi kiện từ ngày 22-1-2013).

____________________________________

Các nước APEC chiếm khoảng 52% diện tích lãnh thổ, 59% dân số, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên thế giới, đóng góp khoảng 57% GDP toàn cầu và hơn 50 % thương mại thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm