Miền Đông Ukraine: Đàm phán thất bại, chiến sự sẽ bùng nổ

Đêm 30-1 (giờ địa phương), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu đã ra thông cáo ghi nhận văn bản kết quả đàm phán ngừng bắn ở Minsk (Belarus) ngày 31-1 bao gồm hàng loạt biện pháp cụ thể nhằm giảm leo thang chiến sự ở miền Đông Ukraine.

Cuộc đàm phán hòa bình ở Minsk diễn ra không mấy thuận lợi. Hôm 30-1, AFP đưa tin đại diện của lực lượng ly khai có mặt tại Minsk đã khẳng định đàm phán hòa bình đã bị hủy và dọa sẽ rời Minsk.

Cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma (đại diện cho chính phủ Ukraine tham gia đàm phán) lại cho biết Ukraine hy vọng đàm phán sẽ tiếp tục vào ngày 31-1 và các bên sẽ ký kết thỏa thuận ngừng bắn mới.

Lực lượng ly khai cũng đòi chính phủ Ukraine phải cử người đại diện có đủ thẩm quyền về thực hiện thỏa thuận ngừng bắn. Với yêu cầu này, xem như lực lượng ly khai đã gián tiếp bác bỏ vai trò đại diện của cựu Tổng thống Leonid Kuchma.

Đoàn xe chở hàng cứu trợ nhân đạo của Nga dành cho dân miền Đông Ukraine đến biên giới Ukraine. Ảnh: RIA NOVOSTI

Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết không có thông tin về hủy bỏ đàm phán ở Minsk.

Bộ Ngoại giao còn nhấn mạnh đến Minsk tham dự đàm phán hòa bình có Tổng thống nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk (tự xưng) Alexander Zakharchenko và Tổng thống nước Cộng hòa Nhân dân Luhansk (tự xưng) Igor Plotnitsky chứ không phải là đặc phái viên. Hai nhân vật này đã từng ký kết thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 9-2014.

Lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine đã dọa sẽ mở rộng chiến dịch tấn công cho đến khi giải phóng toàn bộ các vùng Donetsk và Luhansk nếu đàm phán ở Minsk ngày 31-1 thất bại.

Trong khi đó, hôm 30-1, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo NATO sẽ triển khai các đơn vị nhỏ đến sáu nước Đông Âu (Latvia, Estonia, Litva, Bulgaria, Ba Lan và Romania) để đáp trả Nga can thiệp vào Ukraine. Trong sáu nước, Ba Lan và Romania có chung biên giới với Ukraine.

Các bộ trưởng Quốc phòng 28 nước NATO sẽ thảo luận về hiệu quả của công tác triển khai quân này tại phiên họp ngày 5-2 tới.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong tuần tới sẽ biết cụ thể nước nào sẽ đưa quân triển khai. Hà Lan, Đức và Na Uy đã thông báo ý định đưa quân.

Dự kiến mỗi nước có khoảng vài chục quân nhân được triển khai. Các đơn vị này sẽ phụ trách tổ chức, hoạch định các hoạt động quân sự và cung cấp bộ khung chỉ huy khi cần tăng quân.

Ông Jens Stoltenberg giải thích: “Vai trò của họ sẽ rất quan trọng vì họ làm cầu nối giữa quân đội địa phương và lực lượng NATO”.

Trong năm 2014 quân đội NATO đã tham gia khoảng 200 chiến dịch công tác. Ông cam kết sẽ duy trì số lượng này với lý do các máy bay quân sự Nga xuất hiện trên bầu trời châu Âu ngày càng nhiều hơn.

Ông khẳng định bất chấp khủng hoảng kinh tế, Moscow vẫn tiếp tục củng cố quân và ưu tiên cho chi phí quân sự trong bối cảnh trong năm qua các đồng minh châu Âu của NATO phải cắt giảm ngân sách. Ông kêu gọi các nước chấm dứt cắt giảm ngân sách và gia tăng chi phí quân sự.

Tại miền Đông Ukraine, chiến sự tiếp tục diễn ra ác liệt tại TP Debaltseve. Từ hơn một tuần nay, điện, nước, khí đốt tại đây đều đã bị cắt.

Về ngoại giao, dự kiến Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến Ukraine ngày 5-2. Ông John Kerry đến Ukraine lần gần đây nhất vào ngày 4-3-2014, tức ít lâu sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ và trước khi Crimea sáp nhập vào Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm