Máy bay rơi và những chuyện nhói lòng

Cuối ngày 30-10, tại buổi họp báo, ông Bambang Suryo Aji, trưởng chiến dịch tìm kiếm vụ máy bay Indonesia rơi xuống biển, cho rằng toàn bộ 189 người gồm hành khách và phi hành đoàn đều có thể không còn sống. “Dự đoán của tôi là không ai sống sót vì thi thể của những nạn nhân được tìm thấy đều không còn nguyên vẹn. Đã nhiều giờ trôi qua, có khả năng tất cả 189 nạn nhân đều đã chết” - ông Aji thừa nhận.

“Khi hay tin, chúng tôi đều chết lặng”

Mặc dù thông tin về số phận của 189 con người trên chuyến bay định mệnh đã gần như được an bài nhưng gia đình nạn nhân vẫn kéo về sân bay Pangkal Pinang - điểm đến dự kiến của chiếc Boeing 737 Max 8 và sân bay Soekarno Hatta ở Jakarta - điểm cất cánh để cùng cầu nguyện và chờ đợi một phép màu nào đó có thể sẽ xảy ra.

Kapish Gandhi, anh họ của cơ trưởng chuyến bay Bhavye Suneja (31 tuổi, người Ấn Độ), kể lại giây phút đau đớn khi gia đình họ hay tin về em trai. “Khi thấy tin trên tivi buổi sáng, chúng tôi không biết có nên tin vào đó hay không. Chúng tôi đều chết lặng”. Anh Gandhi kể rằng cha của Suneja sốc và không thể nói gì. Còn em gái và mẹ của anh đã không thể bước ra khỏi phòng.

Cũng trong ngày, mẹ của phi công Suneja nhanh chóng đi chuyến bay gần nhất đến sân bay Indonesia để chờ tin con trai. “Làm ơn hãy cầu nguyện cho chúng tôi. Chúng tôi đang đợi Suneja về nhà để cùng nhau đón lễ Diwali vào đầu tháng 11” - mẹ của Suneja nói.

Một thân nhân nạn nhân chắp tay cầu nguyện tại sân bay Pangkal Pinang. Ảnh: AFP

Tấm ảnh selfie cuối cùng gửi vợ

Deryl Fida Febrianto, 22 tuổi, đã gửi một bức ảnh selfie cho vợ mới cưới đang ở nhà vào lúc 6 giờ 1 phút sáng, ngay trước khi phi cơ cất cánh. Đây là bức ảnh cuối cùng anh gửi cho cô.

Lutfinani Eka Putri, 23 tuổi, kể rằng cô và Deryl là bạn thân từ nhỏ, họ vừa kết hôn chỉ hai tuần trước và anh đang trên đường đến Pangkal Pinang để làm việc trên tàu du lịch.

Lutfinani cho biết đến 6 giờ 12 phút cô vẫn còn nhận tin nhắn của chồng nhưng sau đó không còn dòng hồi âm nào nữa. “Khi tôi xem bản tin, tôi liền đối chiếu số hiệu chuyến bay với ảnh chụp tấm vé mà Deryl đã gửi cho tôi. Tôi chỉ biết khóc” - Lutfinani nức nở nói.

Tương tự, vào buổi sáng định mệnh, Andrea Manfredi, cựu tay đua người Ý, vẫn đăng lên Instagram bức ảnh chụp cạnh chiếc xe đạp với chú thích: “Tôi có thể thay đổi cuộc đời mình, ngoại trừ đam mê”.

Manfredi rời TP Pisa (Ý) hôm 17-10 để thực hiện một hành trình đạp xe mới trước khi quá cảnh ở Hong Kong và tới Jakarta. Tay đua trẻ từng thi đấu cho các đội chuyên nghiệp Ceramica Flaminia-Fondriest và Bardiani-CSF. Năm 2015, Manfredi từ giã sự nghiệp đua xe đạp chuyên nghiệp và thành lập công ty công nghệ riêng chuyên về vải nhưng anh vẫn tiếp tục đạp xe với tư cách một tay đua nghiệp dư. Ngờ đâu anh bỏ lại sự nghiệp trên chuyến bay định mệnh ấy khi đang ở tuổi 26.

“Kỷ niệm về một chàng trai nghiêm túc và đam mê môn thể thao của bản thân sẽ không thể phai nhòa trong tâm trí của những người may mắn quen biết cậu ấy nhiều năm qua” - Bardiani, cựu đồng đội của Manfredi, chia sẻ.

Chiếc ốp lưng điện thoại gây nhói lòng cư dân mạng. Ảnh: TWITTER

Danh sách nạn nhân được niêm yết ở sân bay.

Ám ảnh về chiếc ốp lưng điện thoại

Một trong những đồ đạc ám ảnh nhất được tìm thấy là vỏ điện thoại in ảnh đôi vợ chồng nắm tay nhau đi trên cầu bình yên. Sau khi bức ảnh được đăng lên các phương tiện truyền thông, cư dân mạng liên tục chia sẻ và tìm ra được chủ nhân của chiếc ốp lưng.

Cách đây hơn một năm, vào ngày 27-8-2017, người dùng @ineyunitasi đã đăng lên trang Instagram cá nhân tấm ảnh này cùng dòng trạng thái đầy ý nghĩa: “Mỗi bước đi cùng nhau là một lời cầu nguyện, hy vọng mọi lời cầu nguyện sẽ là phước lành và sẽ dẫn chúng ta đi đến thành công”.

Trong khi đó, nữ tiếp viên Alfiani Hidayatul Solikah trước đó ba ngày đã đăng trên Instagram cá nhân một dòng trạng thái mà sau khi tai nạn xảy ra, người ta cho đó là một điềm báo chuyện không may. Bức ảnh được Alfiani chụp vào buổi tối, dưới ánh sáng của dãy đèn lấp lóa với dòng chữ “Giữa bóng tối bao trùm, tôi muốn níu lấy ánh sáng ấy”.

Cư dân mạng cho rằng “bóng tối bao trùm” ở đây được cho là một điềm báo khi máy bay Boeing 737 chở 189 người, bao gồm cả hành khách và thành viên phi hành đoàn, lao thẳng xuống biển. Số phận của họ vẫn đang ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Cả thế giới đều đang dõi về Indonesia và hy vọng có một nguồn “ánh sáng” như một phép màu cứu lấy những người còn sống sót trong chuyến bay định mệnh.

Những phận người nằm lại

Tại sân bay Pangkal Pinang, Feni cho biết em gái mình sắp cưới và đang trên đường đưa gia đình chồng tương lai về thăm gia đình mình thì bị nạn. “Chúng tôi tới đây chờ tin em gái, chồng chưa cưới của em, gia đình chồng tương lai, bạn bè em cùng đi trên chuyến bay. Chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào. Chúng tôi rất hoang mang. Hy vọng cả gia đình vẫn còn sống” - Feni nói.

Trong số các hành khách có mặt trên chuyến bay Lion Air JT610 có hai cha con anh Wahyu Alldila (32 tuổi) và Xherdan Fachridzi (bốn tuổi). Ngày 27-10, hai cha con anh Wahyu ở ngôi làng Padang Baru (huyện Pangkalan Baru, đảo Bangka) đến thủ đô Jakarta để theo dõi trận đấu bóng trong giải bóng đá U-19 Indonesia. Trong trận đấu, anh Wahyu còn chụp ảnh cười tươi rạng rỡ gửi về cho gia đình ở quê nhà. Có ai ngờ đó lại là bức ảnh cuối cùng ghi lại nụ cười của hai cha con.

Bà Fatma, mẹ vợ của anh Wahyu, cho biết: “Trước chuyến bay, Wahyu đã gọi điện thoại cho tôi và nói rằng Xherdan rất nóng lòng muốn được gặp lại tôi”. Bà Fatma bày tỏ hy vọng rằng con rể và cháu ngoại còn sống, bởi vợ anh Wahyu đang mang bầu đứa con thứ hai ở nhà.

Michelle Vergina Bongkal, 21 tuổi, bay tới Pangkal Pinang cùng em trai 13 tuổi và người cha 52 tuổi để chịu tang bà của cô. Chị cô, Vina, kể rằng cả nhà đang rất đau buồn trước sự ra đi của bà và bây giờ lại sụp đổ vì vụ tai nạn máy bay.

Theo Vina, gia đình cô thường xuyên bay về Pangkal Pinang nhưng bằng hãng hàng không khác. Lần này, do phải về dự tang gấp, họ đã chọn Lion Air. Ngay trước khi bay, vào khoảng 6 giờ, Michelle còn nói chuyện với mẹ rồi không lâu sau họ nhận được tin dữ. “Đến 7 giờ 30, chúng tôi vẫn cố gắng gọi cho Michelle, hy vọng con bé trả lời nhưng không liên lạc được”.

Tổng thống Indonesia đến tận nơi chỉ đạo cứu hộ

Đến chiều 30-10, đội cứu hộ gồm khoảng 300 người, bao gồm cảnh sát, thợ lặn và binh sĩ, đã nỗ lực chống lại các dòng nước xiết ở độ sâu tới 35 m, sử dụng cả robot dưới nước để tìm kiếm những người sống sót. Tuy nhiên, hiện chỉ mới tìm thấy được 26 thi thể cùng một số vật dụng của nạn nhân.

Các tàu siêu âm liên tục được phát đi để tìm kiếm thân máy bay, đồng thời sử dụng thiết bị chuyên dụng tìm hộp đen.

Chiều cùng ngày, Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo, cũng đã đích thân đến hiện trường nơi đội cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân còn lại. Bộ trưởng Giao thông vận tải, ông Budi Karya Sumadi, cũng trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm và xác định các mảnh vỡ máy bay.

Giá cổ phiếu của Boeing được báo cáo vừa giảm 6,6% trong một ngày sau khi chiếc máy bay Boeing 737 Max 8 xảy ra vụ tai nạn.

Thoát chết nhờ kẹt xe

Bộ Tài chính Indonesia cho biết có 20 nhân viên của Bộ có mặt trên chiếc Boeing 737 Max 8. Những người này làm việc tại văn phòng trụ sở ở Pangkal Pinang và đang quay về sau kỳ nghỉ cuối tuần ở Jakarta. Phát ngôn viên Bộ Tài chính Nufransa Wira Sakti cho biết nhóm nhân viên trên thường đi chuyến bay sớm của Lion Air để đến Pangkal Pinang kịp giờ làm.

May mắn thay, trong số nhóm nhân viên Bộ Tài chính có ông Sony Setiawan lẽ ra cũng đi cùng chuyến này nhưng bị trễ do tắc đường và thoát nạn. “Gia đình tôi rất sốc, còn mẹ tôi thì khóc nhưng tôi đã báo với họ rằng tôi vẫn an toàn và tôi rất biết ơn vì điều đó” - ông Setiawan nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm