Máy bay rơi ở Pakistan: Bất thường trong quá trình hạ cánh

Hiện chỉ có hai người sống sót sau khi máy bay của hãng hàng không quốc tế Pakistan (Pakistan International Airlines - PIA) rơi tại TP Karachi (Pakistan) vào chiều 22-5.

Tại buổi họp báo sau khi vụ tai nạn xảy ra, Giám đốc điều hành của hãng hàng không PIA - ông Marshal Arshad Malik cho biết chuyến bay có 91 hành khách và bảy thành viên phi hành đoàn.

Các đội cứu hộ đang ra sức tìm kiếm nạn nhân trong xác máy bay rơi. Ảnh: EPA

Máy bay rơi xuống một làn đường và đã không đâm vào bất kỳ tòa nhà nào. Không có ai trên mặt đất thiệt mạng. Hiện đội cứu hộ đã tìm thấy được 80 thi thể, theo hãng tin AFP.  

Ông Malik cho biết hiện ông vẫn đang phối hợp với các bệnh viện địa phương để theo dõi con số thương vong. Ông nói rằng có hai người may mắn đã sống sót trong vụ tai nạn, trong đó có ông Zafar Masood, Chủ tịch Ngân hàng Punjab.

"Quân đội Pakistan đã gửi trực thăng đến để đánh giá thiệt hại và nỗ lực cứu hộ, trong khi các đội tìm kiếm và cứu hộ địa phương vẫn đang tìm kiếm thi thể trong xác máy bay" - quân đội Pakistan đăng trên Twitter hôm 22-5 .

Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Pakistan cũng cho biết họ đã gửi xe cứu thương và nhân viên cứu hộ đến hiện trường.

Bất thường trong quá trình hạ cánh

Giám đốc điều hành PIA nói rằng ông chưa thể xác nhận nguyên nhân vụ tai nạn nhưng cho biết sẽ có một cuộc điều tra thích hợp. Ông cũng nhấn mạnh lại rằng: "Du lịch hàng không là dịch vụ an toàn nhất. Các phi công và kỹ sư của PIA luôn tuân theo các quy tắc và máy bay A320 là một trong những dòng máy bay an toàn nhất trong ngành".

Máy bay của hãng cất cánh từ TP Lahore và dự kiến hạ cánh lúc 2 giờ 30 chiều 22-5 (giờ địa phương) tại TP Karachi. Thế nhưng bộ phận không lưu đã mất tín hiệu radar của chiếc máy bay này khi nó sắp hạ cánh, người phát ngôn của PIA Abdullah Khan nói với đài CNN.

Chiếc máy bay gần như biến dạng sau khi bốc cháy và rơi xuống khu dân cư. Ảnh: EPA

Trước khi vụ tai nạn xảy ra, phi công cho biết máy bay đã sẵn sàng hạ cánh nhưng sau đó thông báo lại rằng anh không thể kiểm soát được cả hai động cơ máy bay.

"Chúng tôi đang hạ cánh. Chúng tôi mất kiểm soát các động cơ" - theo một bản ghi âm ghi lại cuộc trao đổi giữa phi công và đài không lưu mà đài CNN có được từ một nguồn tin chính phủ Pakistan.

Sau đó, đài không lưu yêu cầu phi công xác nhận rằng anh sẽ cho máy bay hạ cánh bằng bụng. Đây là cách xử lý thường gặp khi máy bay không thể triển khai các thiết bị hạ cánh. Không rõ vì sao bộ phận mặt đất lại hướng dẫn phi công xử lý tình huống theo hướng đó.

Sau đó vài giây, đoạn ghi âm cho thấy phi công không trả lời mà cố đưa ra một số cuộc gọi. Đài không lưu sau đó tiếp tục thông báo rằng cả hai đường băng đều an toàn để hạ cánh và rồi cuộc gọi bị gián đoạn.

Một trong hai người sống sót được đưa đi cấp cứu. Ảnh: AP

Phát ngôn viên của PIA - ông Abdullah Khan sau đó đã xác thực đoạn ghi âm. 

"Phi công đã được thông báo rằng hai đường băng đều có thể sử dụng nhưng không hiểu sau đó vì sao anh ta lại hạ cánh bên ngoài đường băng. Chúng tôi đang xem xét vấn đề kỹ thuật" - ông Khan phát biểu hôm 22-5.

Một nhân chứng cho biết đã thấy chiếc máy bay bốc cháy trên không trung trước khi nó rơi xuống khu vực dân cư. Một vài nhân chứng cho hay chiếc máy bay dường như đã cố hạ cánh 2-3 lần trước khi nó rơi xuống.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan gửi lời chia buồn đến người bị nạn

Thủ tướng Pakistan Imran Khan sau khi vụ tai nạn xảy ra đã đăng trên Twitter rằng ông đã bị sốc và buồn khi hay tin về vụ tai nạn thảm khốc này. Ông cho biết đã chỉ đạo một "cuộc điều tra" để làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Cũng trong chiều 22-5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đăng trên Twitter rằng ông đã "sốc và buồn khi nghe về vụ tai nạn máy bay tại thành phố Karachi". Ông Pompeo cũng gửi lời cầu nguyện đến những người bị nạn và thân nhân của họ.

"Mỹ sẽ sát cánh với Pakistan trong thời gian khó khăn này" - Ngoại trưởng Mỹ Pompeo viết trên trang cá nhân.

Vụ tai nạn trên xảy ra chỉ vài ngày sau khi Pakistan bắt đầu cho phép các chuyến bay thương mại hoạt động trở lại sau thời gian phong tỏa vì đại dịch COVID-19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm