Manila sẽ liên danh Bắc Kinh thăm dò dầu khí tại Biển Đông?

Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Bộ Năng lượng Philippines hôm 15-10 cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte đã dỡ bỏ lệnh cấm thăm dò dầu khí ở Biển Đông.

Động thái này sẽ mở đường cho việc khôi phục hoạt động thăm dò dầu khí ở vùng biển tranh chấp, cũng như khả năng liên danh với Trung Quốc.

Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi cho biết ông Duterte đã chấp thuận đề xuất của bộ trong việc khôi phục hoạt động thăm dò nhằm giải quyết vấn đề an ninh năng lượng của nước này, đặc biệt trước nguy cơ suy giảm của mỏ khí đốt tự nhiên Malampaya.

Ông Cusic cho biết chính phủ Philippines đã thông báo với các nhà thầu dịch vụ về việc khôi phục ba dự án thăm dò dầu khí tại Biển Đông, vốn đã bị đình chỉ từ năm 2014 theo quyết định của cựu Tổng thống Benigno Aquino III vì tranh chấp lãnh thổ.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: VĂN PHÒNG ĐIỀU HÀNH TRUYỀN THÔNG TỔNG THỐNG

Ba dự án thăm dò gồm Hợp đồng Dịch vụ (SC) 59 do Công ty Dầu khí Quốc gia Philippines thực hiện; SC 72 do công ty Forum Ltd thực hiện và SC 75 của Tập đoàn Năng lượng Philippines PXP.

Trong đó, công ty Forum Ltd – một nhánh của PXP – sẽ thực hiện SC 72 bao gồm việc thăm dò khí đốt tại Bãi Cỏ Rong (phía đông bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). PXP đã tiến hành đàm phán với Tổng công ty Dầu khí Ngoài Khơi Trung Quốc (CNOOC) về việc thăm dò và phát triển chung ở Bãi Cỏ Rong.

Ông Cusi cho biết chính phủ ra quyết định dỡ bỏ lệnh cấm “với thiện chí và sự quan tâm đối với các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Philippines và Trung Quốc, công ty Forum Ltd và công ty CNOOC”.

Theo hãng tin CNN Philippines, bãi Cỏ Rong có thể được coi là một sự thay thế cho mỏ Malampaya.

“Chúng tôi cần thăm dò để có thể giải quyết vấn đề an ninh năng lượng của đất nước. Mỏ khí đốt Malampaya - chiếm 20% nguồn cung cấp điện của đất nước - dự kiến sẽ cạn kiệt trong 10 năm tới” – ông Cusi nói.

“Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm sẽ khiến các công ty thăm dò có nghĩa vụ pháp lý phải bỏ vốn vào các khu vực theo hợp đồng và thuê các kỹ sư, công nhân kỹ thuật của Philippines. Điều đó, cùng với đầu tư nước ngoài vào hoạt động thăm dò, sẽ thúc đẩy nền kinh tế vốn đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19” – ông Cusi nói thêm.

Hồi năm 2019, Tổng thống Duterte cho biết Trung Quốc đề nghị với Philippines về việc kiểm soát cổ phần trong một liên danh năng lượng ở Biển Đông. Trung Quốc đưa ra điều kiện cụ thể là Philippines phải bỏ qua phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) chống lại Trung Quốc.

Philippines đã đệ đơn kiện chống lại Trung Quốc và áp đặt lệnh tạm hoãn thăm dò dầu khí kể từ năm 2014 để chờ phán quyết của PCA. Đến năm 2016, PCA ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông của Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm