Malaysia rơi vào quỹ đạo Trung Quốc?

Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Malaysia Najib Razak, tuyên bố chung được công bố sau hội đàm giữa ông Najib Razak với Chủ tịch Tập Cận Bình tại nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài hôm 3-11.

Báo The Straits Times đưa tin trong tuyên bố chung, hai bên nhấn mạnh hành động can thiệp của các bên bên ngoài sẽ không góp phần giải quyết vấn đề biển Đông.

Hai bên khẳng định các nước tranh chấp ở biển Đông phải giải quyết tranh chấp theo cách hòa bình thông qua đàm phán phù hợp với luật pháp quốc tế như Công ước LHQ về Luật Biển.

Tuyên bố chung khẳng định: “Tất cả các bên phải thể hiện kiềm chế và tránh các biện pháp làm phức tạp tình hình hoặc gia tăng căng thẳng ở biển Đông”.

Hai bên cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tự do hàng hải và hàng không dựa trên luật pháp quốc tế.

Đây là chuyến thăm Trung Quốc thứ ba của Thủ tướng Najib Razak từ khi giữ chức thủ tướng vào năm 2009.

Thủ tướng Najib Razak (trái) hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 3-11 tại  Bắc Kinh.  Ảnh: THX

Nhiều ý kiến đánh giá Malaysia đang chuyển hướng sang Trung Quốc hoặc đây là hiệu ứng domino sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Tạp chí The Diplomat (Nhật) đã nêu ra bốn lý do phân tích cho thấy Malaysia không có dấu hiệu rời xa Mỹ và rơi vào quỹ đạo Trung Quốc.

  Malaysia duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc từ lâu. Malaysia là nước ASEAN đầu tiên bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1974. Hai nước đã nâng quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện hồi tháng 10-2013 và năm ngoái đã cùng tập trận chung lần đầu tiên.

 Dù quan hệ nồng ấm, Malaysia vẫn quan tâm đến các thách thức từ Trung Quốc, đặc biệt là sự kiện các tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Malaysia trong những năm gần đây.

  Quan hệ giữa Malaysia và Mỹ vẫn thân thiện. Mặc dù hai nước có lúc bất đồng nhưng vẫn hợp tác ở nhiều cấp độ. Malaysia đã tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu. Thủ tướng Najib Razak duy trì quan hệ rất chặt chẽ với Tổng thống Obama.

Thủ tướng Najib Razak muốn củng cố quan hệ với Trung Quốc xuất phát từ chính sách đối nội. Kinh tế Malaysia đang khó khăn, vị thế chính trị của ông đang bị lung lay. Vào thời điểm tổng tuyển cử gần đến, cách tốt nhất là thân cận với Bắc Kinh để kiếm tiền và tác động đến cử tri gốc Hoa.

Ngày 4-11, Thủ tướng Najib Razak đã tuyên bố trấn an người dân Malaysia rằng ông không bán nước.

Ông giải thích các thỏa thuận ký kết với Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích cho Malaysia trong nhiều thập niên, bao gồm việc làm mới, cải thiện giao thông, năng lượng bền vững và bảo đảm an ninh hàng hải.

Ông cho biết trong chuyến thăm Trung Quốc sáu ngày của ông (từ ngày 31-10 đến 6-11), các doanh nghiệp của hai bên đã ký kết 14 thỏa thuận trị giá 143,64 tỉ ringgit (34,3 tỉ USD). Ngoài ra, hai chính phủ cũng đã ký kết 16 biên bản ghi nhớ.

Báo Inquirer đưa tin ngày 3-11, Bộ trưởng Giao thông Philippines Arthur Tugade thông báo chính phủ đã đưa tàu cảnh sát biển đến bãi cạn Scarborough nhằm kiểm tra và thăm dò vùng biển. Người phát ngôn cảnh sát biển Philippines cho biết hai tàu BRP Tubbataha và BRP Davao del Norte đã được điều đến bãi cạn Scarborough và ba tàu khác đã chuẩn bị được triển khai. Các tàu có nhiệm vụ xác minh tình hình các ngư dân Philippines và bảo đảm sự hiện diện của lực lượng chính phủ trong khu vực.

Một số người lo ngại Malaysia bị bán. Điều này vô lý và hoàn toàn sai.

Thủ tướng Malaysia NAJIB RAZAK

__________________________________

Chuyến thăm Trung Quốc của các nhà lãnh đạo Philippines và Malaysia không phải là thắng lợi của Trung Quốc hay thất bại ngoại giao của Mỹ. Đây chỉ là dấu hiệu về trạng thái cân bằng mới của các nước mới nổi trong khu vực xuất phát từ chính sách đối nội và lợi ích đa chiều.

Chuyên gia MARK THOMPSON (Đại học Hong Kong)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm