Malaysia Airlines chuẩn bị phá sản?

Trong thời gian qua, hãng hàng không Malaysia Airlines (Malaysia) đã gánh chịu hai tai nạn lớn. Ngày 8-3, máy bay mang số hiệu MH370 chở 239 người bay tuyến Kuala Lumpur-Bắc Kinh mất tích trên Ấn Độ Dương. Đến ngày 17-7, máy bay MH17 chở 298 người bay tuyến Amsterdam-Kuala Lumpur đã bị bắn rơi trên không phận miền Đông Ukraine.

Mỗi ngày lỗ 1,56 triệu USD

Các nhà phân tích nhận định với hai tai nạn lớn xảy ra trong hơn bốn tháng cộng với khó khăn tài chính kéo dài nhiều năm, hãng hàng không Malaysia Airlines sẽ khó lòng trụ nổi.

Malaysia Airlines nhận được hàng trăm giải thưởng như giải của công ty tư vấn hàng không Skytrax (Anh) và World Travel Awards (Anh) về chất lượng phi công và thức ăn trên máy bay, giải hãng hàng không tốt nhất châu Á của World Travel Awards năm 2013.

Dù vậy, báo USA Today dẫn lời nhà phân tích Robert Mann (công ty phân tích-tư vấn hàng không R.W. Mann & Co. của Mỹ) ghi nhận Malaysia Airlines đã hoạt động khó khăn từ năm 2005 và cảnh báo đỏ về lỗ lã trong ba năm qua.

Nguyên nhân do chi phí nhiên liệu và phí sân bay tăng, các hãng hàng không giá rẻ (như AirAsia của Malaysia) cạnh tranh và đồng ringgit của Malaysia ngày càng yếu so với USD.

Thắp nến tưởng niệm các nạn nhân chuyến bay MH17 ở Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 19-7. Ảnh: REUTERS

Trả lời báo Deutsche Welle (Đức), chuyên gia Mohshin Aziz (Tập đoàn tài chính Maybank của Malaysia) ghi nhận Malaysia Airlines đã phải chi 12,5 triệu USD tiền tìm kiếm máy bay MH370 và bồi thường ban đầu cho gia đình các nạn nhân.

Điều tai hại hơn là số hành khách đã giảm rất nhiều sau tai nạn này. Ngay trước tai nạn máy bay MH17 ở Ukraine, mỗi ngày hãng phải chịu lỗ 1,56 triệu USD. Dự kiến Malaysia Airlines sẽ không còn tiền hoạt động sau quý II-2015.

Ba tuần trước, các nhà môi giới chứng khoán của Tập đoàn Maybank đã khuyên khách hàng nên bán cổ phiếu của Malaysia Airlines.

Các nhà phân tích hàng không Mỹ nhận định Malaysia Airlines sẽ không trụ quá một năm nếu không được chính phủ Malaysia bơm tiền. Khoản tiền này cũng chỉ giúp hãng giải quyết khó khăn trước mắt.

Vực dậy hay là chết?

Dù vậy, nhà tư vấn hàng không Robert Mann (Mỹ) vẫn tin rằng hãng hàng không Malaysia Airlines có thể vượt qua khó khăn vì chính phủ sẽ không bỏ rơi biểu tượng rất quan trọng với kinh tế và du lịch Malaysia sau khi chính phủ đã bỏ tiền đầu tư xây dựng Malaysia Airlines trở thành hãng hàng không hàng đầu khu vực.

Để vực dậy Malaysia Airlines có nhiều giải pháp:

Theo nhà phân tích Mohshin Aziz, sau hai tai nạn thảm khốc, Malaysia Airlines sẽ không còn khai thác tốt các tuyến quốc tế bởi khách hàng sẽ tìm hãng khác, do đó tốt nhất là tập trung khai thác các tuyến quốc nội.

Chuyên gia Henry Harteveldt (công ty phân tích và cố vấn về dịch vụ di chuyển Atmosphere Research Group của Mỹ) ghi nhận Malaysia Airlines và chính phủ Malaysia phải nhanh chóng xác định máy bay MH17 rơi có phải là sự kiện ngoài tầm kiểm soát hay không (do bị bắn rơi) để giảm thiểu thiệt hại về vật chất và uy tín.

● Theo giám đốc điều hành công ty quản lý tình huống khủng hoảng CS&A (Hong Kong) Caroline Sapriel, Malaysia Airlines phải nỗ lực khôi phục uy tín với các biện pháp như thay đổi thương hiệu, cần một chuyên gia về quản lý rủi ro có quyền ngang với giám đốc điều hành, cam kết bảo đảm an toàn bay để xây dựng trở lại niềm tin từ khách hàng.

ĐĂNG KHOA

- Theo luật quốc tế, hãng hàng không Malaysia Airlines phải bồi thường 150.000 USD cho gia đình mỗi nạn nhân trong hai chuyến bay MH17 và MH370. Máy bay MH370 đang mất tích nên tiền bồi thường chưa được xác định. Đối với máy bay MH17 có hai giả thiết. Nếu máy bay bị bắn, Malaysia Airlines không được đền bù nhiều vì máy bay bay trên vùng xung đột. Nếu máy bay rơi vì trục trặc kỹ thuật, hãng càng thiệt hại nặng bởi mỗi chiếc Boeing 777 trị giá đến 500 triệu USD và tiền bồi thường có thể lên đến hàng tỉ USD.

- Báo The Australian (Úc) đưa tin ngày 22-7, Hạ viện Úc đã tổ chức buổi tưởng niệm các nạn nhân tai nạn máy bay MH17 (Úc có 37 công dân thiệt mạng). Chủ tịch Hạ viện Bronwyn Bishop đã kêu gọi công lý cho các nạn nhân. Tại buổi lễ, Thủ tướng Tony Abbott đại diện cho nước Úc viết lời tưởng niệm vào sổ chia buồn. Cùng ghi chia buồn có Toàn quyền Peter Cosgrove, Chủ tịch Thượng viện Stephen Parry, Chủ tịch Hạ viện Bronwyn Bishop, các nghị sĩ, các thành viên nội các và đại diện ngoại giao của các nước có công dân thiệt mạng trong tai nạn máy bay. Gia đình mỗi nạn nhân sẽ được nhận một bản sao của sổ chia buồn có bút tích các nhân vật quan trọng này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm