Lý do thượng đỉnh NATO nóng chuyện đối phó Trung Quốc

Lãnh đạo 29 nước thuộc khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa có kỳ họp thượng đỉnh ở London (Anh).

NATO thành lập 70 năm trước với nhiệm vụ chính là đối phó Liên bang Xô viết. Trong suốt thời gian này, Liên bang Xô viết trước đây luôn là trọng tâm tại các kỳ họp NATO. Tuy nhiên, tại kỳ họp NATO lần này, lần đầu tiên Trung Quốc (TQ) được đưa vào chương trình nghị sự.

Khác với các hội nghị trước chủ yếu tập trung bàn cách đối phó với Nga, hội nghị lần này NATO sẽ tập trung bàn về sự thay đổi trong các quan hệ địa chính trị và các thách thức từ TQ mà NATO đang đối mặt.

Trả lời phỏng vấn kênh CNBC đầu tuần này, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định “sức mạnh đang lên của TQ là sự thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu và sự lớn mạnh của TQ - về kinh tế, quân sự - mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức nghiêm trọng”. Hồi tháng 4, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas từng thừa nhận TQ sẽ trở thành một mục tiêu của thế kỷ 21, là một thách thức ở hầu hết mọi chủ đề.

Không chỉ ở biển Đông

Điều gì khiến NATO phải dè chừng và lần đầu tiên đưa TQ vào chương trình nghị sự một kỳ họp thượng đỉnh như thế? Tại London ngày 3-12, ông Stoltenberg đặc biệt nhấn mạnh sự gia tăng ảnh hưởng của TQ ở biển Đông cũng như khắp các châu lục.

Biển Đông là một điểm nóng giữa TQ và Mỹ - thành viên đứng đầu NATO. Thời gian qua TQ tăng cường quân sự hóa phi pháp biển Đông, xây dựng nhiều cơ sở quân sự, triển khai tàu chiến, vũ khí ra vùng biển vốn không thuộc chủ quyền của nước này. TQ còn hung hăng đưa tàu nghiên cứu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Các lãnh đạo NATO chụp ảnh chung với Nữ hoàng Anh Elizabeth II (giữa) tại cung điện Buckingham tối 3-12. Ảnh: NATO.INT

Với các hành động này, TQ bị Mỹ cáo buộc hăm dọa các nước cùng tranh chấp biển Đông. Mỹ thường xuyên đưa tàu chiến, máy bay đến tuần tra tự do hàng hải ở vùng biển này, bất chấp sự phản đối và dọa nạt của TQ. Tuy nhiên, thời điểm này ông Stoltenberg vẫn nói NATO sẽ không can thiệp tranh chấp ở biển Đông.

Dù nói NATO chưa tính đến chuyện chuyển phạm vi phòng thủ đến biển Đông nhưng ông Stoltenberg cảnh báo ảnh hưởng của TQ đang tiến tới phạm vi phòng thủ của NATO - châu Âu và Bắc Phi. Với dự án “Vành đai và con đường”, TQ có ý muốn kiểm soát nhiều cảng biển và cơ sở hạ tầng không chỉ ở châu Á mà cả châu Âu.

Ông Stoltenberg cảnh báo NATO về năng lực quân sự của TQ - “nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới”. Theo tính toán của NATO thì ngân sách quốc phòng TQ hiện chỉ đứng sau Mỹ. Chỉ trong năm năm qua hải quân TQ đã tăng thêm 80 tàu chiến và tàu ngầm, tương đương với toàn bộ hải quân Anh.

Ngoài ra, theo SCMP, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, TQ có thái độ cứng rắn hơn trong quan hệ đối ngoại, thương mại. Bắc Kinh nhiều lần bị cáo buộc tấn công mạng ở châu Âu, do thám để đánh cắp tài sản trí tuệ các nước.

Trao đổi với CNBC đầu tuần này, Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison nói đã đến lúc phải buộc TQ tuân thủ các luật lệ. Theo bà, cho tới giờ phần còn lại của thế giới vẫn cho phép TQ tồn tại mà không tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn quốc tế, ví dụ như các tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Mỹ là tiếng nói hàng đầu trong NATO và theo bà Hutchison thì bất cứ nước nào giao dịch với TQ cũng nên ủng hộ chủ trương cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thương mại với TQ. Cuộc thương chiến giữa Mỹ và TQ kéo dài đã gần hai năm. Mỹ cáo buộc TQ ăn cắp sản phẩm trí tuệ, buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ mới cho làm ăn tại nước mình.

Giờ chưa phải lúc tuyên bố TQ là kẻ thù… nhưng chúng ta phải chuẩn bị.

Đại sứ Mỹ tại NATO KAY BAILEY HUTCHISON 

Thiết lập kế hoạch tiếp cận TQ

Tại London ngày 3-12, ông Stoltenberg nhận định “sự lớn mạnh của TQ có ảnh hưởng đến an ninh tất cả đồng minh”, đồng thời đề nghị NATO cần tìm biện pháp đối phó.

Ông Stoltenberg khẳng định NATO không muốn xem TQ là kẻ thù, mà quan trọng là cố gắng tránh làm gia tăng căng thẳng. Tuy nhiên, theo ông Stoltenberg, hiện NATO chưa có kế hoạch lập một “Hội đồng NATO-TQ” tương tự như “Hội đồng NATO-Nga” được thành lập năm 2002 nhằm tăng cường đối thoại và hợp tác giữa NATO và Nga.

Tại hội nghị này, lần đầu tiên các lãnh đạo NATO ký thông qua tuyên bố chung thừa nhận “các cơ hội và thách thức” từ sự lớn mạnh của TQ. NATO cũng thông qua một chiến lược mới giám sát sự gia tăng hoạt động quân sự của TQ và một kế hoạch nội bộ thiết lập kế hoạch hành động về việc NATO nên tiếp cận TQ như thế nào.

Theo ông Stoltenberg, cách tiếp cận mới của NATO “không nhằm tạo ra thêm một kẻ thù mới mà để phân tích và tìm hiểu cũng như đối phó các thách thức mà TQ mang lại theo một cách cân bằng”. NATO phải hợp tác cùng nhau xử lý vấn đề từ năng lực quân sự ngày càng phát triển của TQ - bao gồm cả năng lực chế tạo tên lửa có thể bắn đến châu Âu và Mỹ. Ông Stoltenberg cho rằng TQ nên tham gia vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí vì nước này ngày càng có thêm nhiều vũ khí hạt nhân tiên tiến.

Trung Quốc nghĩ gì về NATO?

Washington Post (Mỹ) dự đoán TQ sẽ không hứng thú với khả năng đối đầu NATO. Còn theo Thời Báo Hoàn Cầu (TQ) thì “các nước châu Âu giờ đối mặt với hai phương án: Đi theo Mỹ mù quáng hay hợp tác với TQ bất kể sự rao giảng của Mỹ”.

Nhà phân tích Michael O’Hanlon tại Viện Chính sách Brookings (Mỹ) lo ngại với các hành động đơn phương của ông Trump trong việc đánh thuế hàng châu Âu và TQ thời gian qua thì thật “khó để tưởng tượng” sẽ có bất kỳ quyết định chiến lược thực chất nào trong một tổ chức đa phương như NATO. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm