Lý do tàu Địa chất hải dương 8 tái xâm phạm biển Việt Nam

Chưa đầy một tuần sau khi rời khỏi vùng biển Việt Nam, tàu Địa chất hải dương 8 của Trung Quốc (TQ) lại tiếp tục ngang ngược quay trở lại hoạt động ở gần khu vực Tư Chính - Vũng Mây. Khu vực này nằm trọn vẹn trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở (các điểm cơ sở số 3, 4 và 5 ở Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) tức là hoàn toàn thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà chính TQ cũng đã ký kết.

Nhìn ở góc độ chiến lược dài hạn lẫn chiến thuật tức thời, Bắc Kinh đã để lộ nhiều ý đồ nguy hiểm khi điều đội tàu khảo sát phạm pháp tới rồi đi, đi rồi quay lại vùng biển Việt Nam một cách ngang ngược.

Ba động thái mang tính chiến thuật

Bằng cách cử các đội tàu khảo sát thực hiện các công việc gây hấn và đe dọa hoạt động bình thường trên biển của Việt Nam, TQ quyết biến vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thành vùng biển “có tranh chấp”.

TS Ngô Hữu Phước

Việc cố gắng biến biển của Việt Nam thành biển có tranh chấp chính là nhằm tiếp tục thực hiện âm mưu mở rộng bất hợp pháp các vùng biển xung quanh các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Đây vốn là các thực thể thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị TQ dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1988, sau đó Bắc Kinh cho bồi lấp, xây dựng thành các đảo nhân tạo phi pháp trong thời gian gần đây. Thậm chí TQ còn cho quân sự hóa một cách lộ liễu các đảo nhân tạo này.

Ngoài ra, TQ đang bằng mọi cách “gặm nhấm” càng nhiều càng tốt, càng nhanh càng tốt các vùng biển, đảo trong khu vực quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Động thái này của Bắc Kinh nhằm phục vụ việc thực hiện mưu đồ “tranh chấp để lấn chiếm” hòng chiếm lợi thế trong tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) với các quốc gia thuộc Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN). Hiện nay, TQ đang thúc đẩy và bày tỏ thái độ lạc quan đối với tiến trình đàm phán COC.

Để thực hiện toan tính này, TQ không ngần ngại gây hấn cùng lúc với cả ba nước Việt Nam, Philippines và Malaysia trong khu vực biển Đông. Chính quyền Manila hôm 15-8 cho biết Philippines sẽ yêu cầu Đại sứ TQ Triệu Giám Hoa giải thích về sự hiện diện của tàu chiến TQ tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines mà không thông báo. Đài ABS-CBN dẫn lời phát ngôn viên của lực lượng vũ trang Philippines (AFP), Chuẩn tướng Edgard Arevalo đề cập năm tàu chiến TQ được nhìn thấy ở eo biển Sibuti và Tawi-Tawi vào tháng 7 và tháng 8-2019. Ông Edgard Arevalo nói: “Đây là một mối đe dọa an ninh, một thách thức đối với an ninh mà chúng tôi cần phải đối mặt và giải quyết… Chúng tôi không biết chính xác họ đang làm gì... Tôi không tin rằng tàu TQ đang đi lại vô hại”.

Trung Quốc cử tàu khảo sát xâm phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam.

Trong khi đó, theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), tàu hải cảnh Haijing 35111 của TQ từ ngày 10 đến 27-5 tuần tra xung quanh cụm bãi cạn Luconia ở biển Đông, nơi có lô dầu khí SK 308 mà Công ty Sarawak Shell có trụ ở Kuala Lumpur được cấp phép thăm dò.

Cuối cùng, TQ đang thử sự kiên định của Việt Nam trong việc bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế nói chung và các quyền chủ quyền, quyền tài phán và các quyền hợp pháp, chính đáng khác của Việt Nam trên biển Đông nói riêng đã được luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 thừa nhận.

Và khi TQ “tự tạo và tự đẩy” tranh chấp lên đỉnh điểm thì chắc chắn họ lại sử dụng tới chiêu bài “rút củi đáy nồi” để ve vãn Việt Nam theo kiểu “gác tranh chấp cùng khai thác”. Chiêu bài này họ đã từng làm hàng chục năm qua ở biển Đông.

Sáu bước đi mang tính chiến lược

Đánh giá tổng thể quan điểm, lập trường, hành vi của TQ trên biển Đông hơn một thế kỷ qua, đặc biệt là từ năm 1956 đến nay, sẽ thấy những gì mà nước này đang làm đều nằm trong chiến lược tổng thể nhằm củng cố và mở rộng tham vọng, yêu sách phi lý và phi pháp của họ về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển Đông theo một lộ trình trái pháp luật quốc tế. Lộ trình này gồm sáu bước.

Trung Quốc nuôi nấng một chiến lược dài hơi ở biển Đông. Trong ảnh: Ngư dân Trung Quốc được nhìn thấy trên một con tàu ở bãi cạn Scarborough. Ảnh: REUTERS

Thứ nhất, TQ sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực xâm lược và chiếm đóng trái phép các thực thể địa lý trên biển Đông. TQ dùng vũ lực xâm lược Hoàng Sa năm 1956, 1974 và bảy thực thể ở Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam năm 1988, 1995; đe dọa sử dụng vũ lực để cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012.

Thứ hai, bồi đắp, cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo. TQ tiến hành xây dựng đảo nhân tạo trên bảy thực thể ở Trường Sa một cách trái phép gồm: Chữ Thập, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn, Ga Ven, Châu Viên và Xu Bi thành các đảo nhân tạo. Đến năm 2018, sau khi hoàn tất quá trình bồi đắp đảo nhân tạo, tổng diện tích bồi đắp các đảo nhân tạo này đã lên tới khoảng 13,21 km2 (tập trung chủ yếu trên ba đá là Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập).

Thứ ba, TQ quân sự hóa các đảo nhân tạo song song với việc xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng núp bóng “công trình dân sự” nhằm đánh lừa dư luận quốc tế như xây hải đăng, âu tàu dân sinh trên đảo. Trên thực địa, TQ đã biến các đảo nhân tạo thành các “pháo đài” quân sự hiện đại trên biển được trang bị cả máy bay ném bom chiến lược, tên lửa phòng không, tên lửa hành trình… làm cơ sở cho các hoạt động gây hấn, lấn chiếm trên biển Đông của nước này trong hiện tại và tương lai.

Thứ tư, TQ ra yêu sách vùng biển 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo. Trên thực tế, trong và sau khi xây dựng, TQ tuyên bố và ngăn chặn tàu của các quốc gia trong khu vực và thế giới hoạt động trong giới hạn 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo.

Thứ năm, TQ đưa người đến ở (thực chất là các hạm đội tàu cá được vũ trang hóa) và yêu sách các vùng biển mở rộng gồm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo nhân tạo như các đảo tự nhiên đáp ứng các quy định tại Điều 121 của UNCLOS. Dẫu TQ thừa biết rằng luật pháp quốc tế nói chung và UNCLOS nói riêng không cho phép và không thừa nhận đảo nhân tạo có quy chế pháp lý như đảo tự nhiên (đảo nhân tạo không thể có các vùng biển mở rộng như các đảo tự nhiên mà chỉ có vùng an toàn không quá 500 m theo quy định tại khoản 5 Điều 60 của UNCLOS nếu chúng được xây dựng hợp pháp) nhưng những gì mà TQ đã tuyên bố và đang gây hấn với Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính - Vũng Mây thời gian qua đã chứng minh nước này đang “hiện thực hóa” yêu sách phi pháp này ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Cuối cùng, TQ muốn liên kết ba vị trí tiền tiêu, chiến lược đặc biệt quan trọng án ngữ hành lang phía đông nam của biển Đông gồm đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa để nắm “yết hầu” địa chính trị, quân sự, kinh tế, thương mại, hàng hải, hàng không của khu vực và thế giới. Chính vì vậy, mọi hoạt động của TQ trong thời gian gần đây đều nhằm mục đích thôn tính hoàn toàn quần đảo Trường Sa để liên kết trọn vẹn ba điểm tiền tiêu chiến lược này. Từ đó, TQ muốn kiểm soát toàn bộ biển Đông, hiện thực hóa “đường chữ U chín đoạn” phi pháp, tiến tới “độc chiếm biển Đông”, là toan tính rất nguy hiểm mà TQ thực hiện.

ĐỖ THIỆN ghi

(*) TS Ngô Hữu Phước hiện là phó trưởng Khoa luật quốc tế, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm