Lý do Philippines đưa phán quyết về Biển Đông ra Liên Hợp Quốc

Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 22-9 đã đưa phán quyết của Tòa Trọng tài tại Hague (Hà Lan) năm 2016 vụ Philippines kiện Trung Quốc (TQ) ra Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ). Trong bài phát biểu của mình, ông Duterte gọi phán quyết 2016 là “một phần của luật pháp quốc tế”, đồng thời nhấn mạnh chính phủ các nước không thể thỏa hiệp hoặc tìm cách xem nhẹ, lờ đi hoặc phủ nhận phán quyết ấy.

Động thái bất ngờ

Một số tờ báo quốc tế gọi bài phát biểu cứng rắn của ông Duterte là “phát ngôn lịch sử”, đánh dấu sự ghi điểm của tổng thống với rất nhiều người dân Philippines, vốn rất kỳ vọng và hối thúc đương kim tổng thống đưa phán quyết 2016 ra LHQ ngay trước thềm cuộc họp. Một ngày sau bài phát biểu tại LHQ, phát ngôn viên Harry Roque của Tổng thống Duterte tiếp tục tuyên bố: Ngay từ khi tranh cử tổng thống, ông Duterte đã khẳng định sẽ không từ bỏ một tấc đất lãnh thổ của đất nước. “Chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ lãnh thổ của mình và sẽ giữ vững chiến thắng của Philippines tại Tòa Trọng tài của LHQ về Luật Biển” - ông Harry Roque nói.

Quan trọng không kém, việc ông Duterte đưa phán quyết ra LHQ và khẳng định “sự uy nghiêm của luật pháp” cho thấy lập trường của tổng thống Philippines dường như thay đổi. Bài phát biểu lần này được xem là động thái cứng rắn nhất mà chính quyền Manila nhắm vào Bắc Kinh kể từ khi Tổng thống Duterte nhậm chức năm 2016, cũng là năm Tòa Trọng tài ra phán quyết sau khoảng ba năm thụ lý và trải qua quá trình tố tụng.

Hồi tháng 7-2020, nhân dịp kỷ niệm bốn năm ngày Tòa Trọng tài ra phán quyết về Biển Đông, Bộ Ngoại giao Philippines lần đầu tiên lên tiếng công nhận chính thức phán quyết. Trong tuyên bố ấy, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin mô tả phán quyết “có ý nghĩa và hệ quả (pháp lý) to lớn đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, cũng như hòa bình và ổn định nói chung của khu vực”.

Đến ngày 21-9, Ngoại trưởng Locsin cho biết thêm ngay cả khi Bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông được ASEAN và TQ đàm phán, Philippines cũng sẽ không giống Bắc Kinh - muốn đẩy các quốc gia phương Tây ra khỏi các vùng biển tranh chấp ở khu vực.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) tiếp đón Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (phải) trong chuyến thăm Manila chính thức của ông Tập Cận Bình hồi tháng 11-2018. Ảnh: REUTERS

Gió đổi chiều

Tổng thống Duterte thời gian qua nhận nhiều chỉ trích từ dư luận, học giả, thậm chí là các chính trị gia Philippines vì tỏ ra mềm yếu trước TQ về vấn đề Biển Đông. Trong đó có việc ông Duterte từng “lờ đi” phán quyết 2016; giải quyết không quyết đoán các va chạm giữa tàu TQ và tàu ngư dân Philippines; có chủ trương và triển khai các hoạt động nhằm “gác tranh chấp, cùng khai thác” với TQ ở một số vùng biển mà giới quan sát xác định là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Việc ông Duterte tuyên bố đồng ý ăn chia với TQ theo tỉ lệ 60/40 (Philippines hưởng 60%) đã làm dấy lên cuộc tranh cãi gay gắt, phần lớn phản đối quyết định của tổng thống vì cho rằng quyết định ấy vi hiến, đồng thời Manila sập bẫy TQ.

Việc chính quyền Duterte thay đổi cách tiếp cận Biển Đông cho thấy Manila đã nhận ra nhiều vấn đề then chốt trong mối quan hệ đầy tranh cãi với TQ. Thứ nhất, các dự án kinh tế mà TQ gọi là ưu tiên cho Philippines gần như chỉ là lời hứa trên giấy. Số tiền thực tế TQ hỗ trợ cho Philippines rất thấp; trong khi các dự án làm ăn của TQ tại Philippines đều khiến giới quan sát lo ngại ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Manila vì vấn đề gián điệp.

Thứ hai, chủ trương hợp tác ăn chia 60/40 giữa TQ và Philippines đến nay vẫn là ảo mộng khi chính quyền Manila gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận và nhiều quan chức trong nước, trong khi các cơ sở pháp lý để ông Duterte ký hợp đồng với Bắc Kinh vẫn còn tranh cãi.

Cuối cùng, Philippines đang đứng trước một làn sóng công luận nhắm vào TQ. Tháng 7 vừa qua, Mỹ gửi công thư lên LHQ bác yêu sách của TQ, tuyên bố ủng hộ và yêu cầu Bắc Kinh chấp hành phán quyết 2016. Không lâu sau, Mỹ tiếp tục ra tuyên bố chính thức về Biển Đông, qua đó tái khẳng định lập trường theo đuổi Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và phán quyết của Tòa Trọng tài. Các quốc gia khác như Úc, liên minh Anh, Pháp, Đức cũng lần lượt đệ trình công hàm lên LHQ phản đối TQ, nhấn mạnh vai trò quan trọng của phán quyết 2016.

Các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã thúc giục các nước Đông Nam Á xem xét lại mối quan hệ làm ăn với các doanh nghiệp nhà nước TQ vì dính tới việc xây dựng trái phép đảo nhân tạo ở Biển Đông. Bối cảnh đó đã tạo ra áp lực, cùng với sức ép không nhỏ từ dư luận và giới chính trị gia trong nước khiến ông Duterte khó lòng tiếp tục xích lại gần Bắc Kinh.

Vẫn còn sớm để có thể khẳng định ông Duterte đã quay lưng với Bắc Kinh hay chỉ là nước cờ tạm thời để có thể mặc cả với TQ về các gói hỗ trợ kinh tế, hạ tầng mà TQ đã hứa. Tuy nhiên, sự thể hiện mờ nhạt về lợi ích trong làm ăn với TQ cũng như sự thay đổi quan điểm và chính sách ngày càng mạnh của quốc tế nhắm vào Bắc Kinh buộc Manila phải suy tính kỹ lưỡng chính sách đối ngoại tới đây của mình.

“Không bao giờ là “tù binh” của Trung Quốc”

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hôm 23-9 khẳng định Tổng thống Duterte không bao giờ trở thành “tù binh” của TQ, theo báo Philstar. Phát biểu này được đưa ra sau khi thượng nghị sĩ Panfilo Lacson viết trên Twitter cá nhân rằng: “Không còn là tù binh nữa”, hàm ý ca ngợi ông Duterte sau bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ về Biển Đông.

“Ông ấy (Duterte) chưa bao giờ (là tù binh của TQ)” - Ngoại trưởng Locsin viết, đồng thời cho rằng Tổng thống Duterte gặp khó khăn khi phải đối diện với một thực tế rằng TQ đã chiếm bãi đá ngầm (bãi cạn Scarborough) từ tay Philippines vào năm 2012. Ông Locsin cho rằng việc Philippines bị TQ chiếm bãi đá ngầm này là do chính quyền Mỹ, khi đó là Tổng thống Barack Obama. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm