Lý do Mỹ ‘ra đòn’ với ngành ô tô thế giới

Cuối ngày thứ Tư (giờ Mỹ), Washington bất ngờ công bố Bộ Thương mại Mỹ sẽ dựa vào Điều 232 để tiến hành điều tra xem việc nhập khẩu ô tô, xe tải và các phụ tùng linh kiện xe có đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ hay không. Cuộc điều tra nếu có kết quả như mong muốn, Tổng thống Trump có quyền áp đặt mức thuế quan lên đến 25% với ô tô nhập khẩu.

Tiếp tục “khuấy động” thương mại thế giới

Với lý lẽ việc nhập khẩu nhôm, thép có tác động đến ngành công nghiệp quốc phòng, vài tháng trước, cũng dựa vào “điều luật hiếm” 232, ông Trump đã ban hành lệnh đánh thuế nhôm thép, buộc các đối tác ở Mỹ La-tinh phải ngồi lại thương thuyết; Hàn Quốc phải nhượng bộ bằng việc cắt giảm xuất khẩu, gia tăng mua hàng, đồng thời giảm thuế ô tô từ Mỹ; đẩy Mỹ-Liên minh châu Âu (EU) vào giai đoạn chực chờ chiến tranh thương mại.

Nhiều chuyên gia đánh giá ô tô khác với nhôm, thép, những mặt hàng liên quan chặt chẽ công nghiệp quốc phòng hay liên đới an ninh quốc gia, Mỹ sẽ khó có thể đưa ra các bằng chứng đủ mạnh để kích hoạt Điều 232 như ông Trump kỳ vọng. Dù vậy, ngành công nghiệp ô tô của nhiều quốc gia nhập khẩu vào Mỹ bao gồm Mexico (chiếm 24%), Canada (chiếm 22%), Nhật Bản (chiếm 21%), Đức (chiếm 11%), Hàn Quốc (chiếm 8%) và nhiều quốc gia khác (chiếm 14%) đều bị thông tin của Bộ Thương mại Mỹ làm tổn thương.

Điển hình như hãng xe Volkswagen và BMW (Đức) sẽ chịu nhiều thiệt hại khi đây là hai nhà xuất khẩu lớn ô tô và xe tải của Mỹ. Một số hãng xe sản xuất và bán ngay tại Mỹ sẽ chịu ít hoặc thậm chí là không bị ảnh hưởng từ quyết định của ông Trump.

Khoét sâu căng thẳng với đồng minh

Thông báo điều tra đánh thuế của Mỹ ngay lập tức gặp phải làn sóng chỉ trích “chủ nghĩa bảo hộ” của các chính trị gia lẫn giới sản xuất ô tô. Ông John Bozzella, lãnh đạo của Global Automakers, một nhóm thương mại đại diện cho Toyota, Nissan Motor, Hyundai Motor, nói rằng: “Theo hiểu biết của chúng tôi, không ai yêu cầu sự bảo vệ này”. Vị này nhấn mạnh động thái của Mỹ sẽ làm giảm cơ hội chọn lựa ô tô và xe tải giá rẻ với người Mỹ.

Cùng quan điểm, Cody Lusk, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý xe hơi quốc tế Mỹ (AIADA), nói rằng việc đối xử với ngành nhập khẩu ô tô như một mối đe dọa an ninh quốc gia sẽ là một thảm họa kinh tế tự chuốc lấy đối với người tiêu dùng lẫn các đại lý xe của Mỹ.

Tổng thống Trump tiếp tục khuấy động thị trường ô tô thế giới. Ảnh: INTERNET

Mối đe dọa áp thuế ô tô xuất hiện trong bối cảnh Mỹ và EU chưa gỡ được quả bom chiến tranh thương mại chực chờ nổ vào ngày 1-6 nếu hai bên không có giải pháp chung về lệnh đánh thuế nhôm, thép của ông Trump. Tổng thống Trump cũng không giấu giếm sự khó chịu khi ngành ô tô Đức đạt thặng dư 16,7 tỉ USD với Mỹ vào năm ngoái. Lệnh điều tra đánh thuế ngành ô tô là một cú bồi vào vết nứt quan hệ, đặc biệt làm Berlin nổi giận.

Các nhà sản xuất ô tô Đức đã phản ứng trong sự thất vọng với lệnh điều tra của ông Trump, không loại trừ khả năng xung đột thương mại tiếp tục gia tăng. “Chủ nghĩa bảo hộ đơn phương vốn dĩ chưa bao giờ giúp đỡ được bất kỳ ai trong dài hạn. Chỉ có chính sách thương mại tự do và công bằng mới có thể đảm bảo sự thịnh vượng” - người phát ngôn của hãng xe khổng lồ Volkswagen nói với AFP.

Các quan chức Nhật Bản lên tiếng bày tỏ quan ngại, đồng thời khẳng định sẽ theo sát cuộc điều tra Mỹ đang tiến hành. “Các biện pháp nhằm hạn chế hoạt động của một ngành công nghiệp to lớn (như ngành ô tô) sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường toàn cầu và tạo ra rủi ro, làm gián đoạn hệ thống thương mại toàn cầu” - Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko nói. Các nhà sản xuất Mazda, Mitsubishi, Toyota của Nhật cũng lên tiếng trước thông tin “gây sốc”, cho biết sẽ theo sát các chính sách đánh thuế ở các thị trường của hãng này.

Phía Hàn Quốc cũng thông báo đã thành lập một đơn vị đặc nhiệm gồm các nhà sản xuất ô tô và hiệp hội ô tô để theo dõi và xem xét, đánh giá các tác động tiềm ẩn mà thông báo điều tra áp thuế của Mỹ có thể gây ra với ngành sản xuất ô tô, đồng thời tìm giải pháp ứng phó.

Việc nhắm vào ngành ô tô là một nước cờ nhiều mục đích của ông Trump. Thứ nhất, ông Trump thực hiện lời hứa tranh cử. Tiếp đến, Nhà Trắng muốn gây áp lực với các quốc gia đang thảo luận sửa đổi hiệp định thương mại với Mỹ. Rõ ràng nhất là Mexico và Canada xung quanh Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Thậm chí là Trung Quốc khi Mỹ nằm trong dự tính của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh sẽ trở thành thị trường xuất khẩu ô tô mục tiêu của doanh nghiệp Trung Quốc. Cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng, thông báo lần này sẽ làm vui lòng nhiều doanh nghiệp và người lao động ngành ô tô nội địa Mỹ trước thềm bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.

Sẽ sai lầm nếu nghĩ ông Trump “đòi ăn cả” trong các đạo luật đánh thuế nhập khẩu. Chỉ cần giao dịch “có hời” như trường hợp nhượng bộ của Hàn Quốc thì ông Trump đã có đủ chứng cứ để đưa lên Twitter với tựa đề “nước Mỹ trên hết”. Dù mọi chuyện vốn không dễ dàng như việc viết vài dòng trên Twitter của đương kim tổng thống.

Chứng khoán các hãng ô tô khổng lồ tuột dốc

Theo Bloomberg, khoảng 25,8 tỉ USD thị phần các doanh nghiệp ô tô khối EU ở Mỹ có thể bị ảnh hưởng. Ở Đức, cổ phiếu hãng Volkswagen giảm 1,8%; cổ phiếu của Daimler AG (công ty mẹ của thương hiệu xe sang Mercedes-Benz) và cổ phiếu hãng xe BMW AG đã giảm hơn 2%. Ở sàn chứng khoán Tokyo (Nhật Bản), cổ phiếu hãng Mazda giảm mức kỷ lục trong hơn một năm qua, lên tới 5,8%. Các hãng khác gồm Mitsubishi giảm 4,5%, Subaru Corp. giảm 3,4%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm