Lý do Mỹ hoãn chuyến thăm Triều Tiên

Sau cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Ngoại trưởng Mike Pompeo, Phó Tổng thống Mike Pence và Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, Mỹ quyết định hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo đến Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm thứ Bảy (25-8) phát đi thông báo cho biết “Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã giải thích cụ thể bối cảnh của việc trì hoãn chuyến thăm của ông ấy đến Triều Tiên. Bộ trưởng Ngoại giao Kang Kyung-wha cho biết cộng đồng quốc tế đã rất kỳ vọng vào chuyến thăm của ông Pompeo đến Triều Tiên và bà Kang cảm thấy việc hoãn lại chuyến thăm lần này là điều đáng tiếc”.

Ưu tiên giải quyết thương mại Mỹ-Trung

Thông báo của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc được đưa ra vài giờ sau khi ông Trump thông báo trên Twitter chuyến thăm dự kiến của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đến Triều Tiên bị hoãn lại. Cho đến nay Triều Tiên vẫn chưa cho thấy những bước tiến rõ rệt trong vấn đề phi hạt nhân hóa theo thỏa thuận bốn điểm khi Tổng thống Trump gặp người đồng cấp Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore vào tháng 6. Đương kim tổng thống Mỹ cũng tiết lộ rằng chuyến thăm sẽ được hoãn lại cho đến khi quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được giải quyết.

Thông báo của ông Trump cho thấy dường như Washington đang tập trung vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, khi cả hai đã ban hành lệnh đánh thuế 25% lên danh sách hàng hóa trị giá 50 tỉ USD lẫn nhau và hai ngày đàm phán Mỹ-Trung tại Washington cuối tuần qua đều không mang lại dấu ấn. Giới quan sát nhận định cuộc chiến thương mại đã bước vào giai đoạn cả hai cường quốc đều không thể quay đầu; đồng thời hậu quả của cuộc chiến bắt đầu không chỉ dừng lại ở việc làm hoang mang tâm lý nhà đầu tư mà còn khiến GDP của cả hai dự kiến đều suy giảm, nghĩa là bắt đầu thiệt hại “tiền tươi thóc thật” với nền sản xuất của hai nước. Ông Trump không ngại nói thẳng “đàm phán chỉ tốn thời gian”, dự báo Mỹ sẽ tập trung các giải pháp chiến lược và toàn diện nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy, đe dọa vị thế siêu cường số một thế giới của Mỹ.

Việc gác lại đàm phán với Bình Nhưỡng cũng cho thấy ông Trump không muốn bị vấn đề phi hạt nhân hóa tại bán đảo Triều Tiên - một trong những ưu tiên chính sách trước đây được kỳ vọng sẽ “tạo nên cú hích” cho nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump - có thể ảnh hưởng đến quyết định của Washington trước Bắc Kinh. “Tôi đã yêu cầu Ngoại trưởng Pompeo không đến Triều Tiên… Vì các lập trường của Mỹ trong giao thương với Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn nên tôi không tin rằng Trung Quốc sẽ giúp ích cho quá trình phi hạt nhân hóa như trước đây (mặc dù đã có lệnh trừng phạt Triều Tiên từ Liên Hiệp Quốc)” - ông Trump cho biết. Hơn ai hết, ông Trump hiểu rằng Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn với chính quyền Bình Nhưỡng và trong bối cảnh hiện nay sẽ dùng sự ảnh hưởng này để đối trọng trực tiếp hoặc gián tiếp Mỹ. Báo cáo mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ trình lên Quốc hội mới đây cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng hàng trăm ngàn binh sĩ cùng các chiến lược quân sự quy mô để bảo vệ chính quyền Kim Jong-un trong kịch bản xấu: Xung đột Triều Tiên tái diễn, thậm chí khi chiến tranh xảy ra.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) trong lần gặp mặt Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: QZ

Mỹ-Triều chưa ai chịu ai

Giới quan sát lý giải việc ông Pompeo không đến Triều Tiên còn cho thấy Mỹ bắt đầu nhận thức được phi hạt nhân hóa không phải là quá trình dễ dàng, nhất là khi chính quyền Bình Nhưỡng đang có những mặc cả khiến Washington khó chấp nhận. “Quyết định (hủy chuyến thăm) phản ánh sự hợp tác yếu kém trong chính sách của chính quyền Triều Tiên. Tiến trình ngoại giao phía trước sẽ còn dài hơn và gập ghềnh hơn rất nhiều so với những gì Tổng thống Donald Trump đã mô tả” - Bruce Klingner, cựu chuyên gia phân tích Cục Tình báo Trung ương Mỹ, nhận định trên Bloomberg.

Kể từ sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore hồi tháng 6, hai bên dù có những dấu hiệu tiến bộ trong cải thiện quan hệ hai nước nhưng đều mờ nhạt. Washington duy trì các lệnh trừng phạt và yêu cầu các nước khác như Nga, Trung Quốc phải làm theo cho đến khi Bình Nhưỡng “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không bị đảo ngược”. Trong khi đó, Bình Nhưỡng dù đưa ra những động thái bên lề mang tính thiện chí nhưng tuyên bố sẽ không đơn phương phi hạt nhân hóa, yêu cầu Mỹ bãi bỏ các lệnh trừng phạt trước khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Phía “trung gian” - Hàn Quốc - đang nỗ lực thúc đẩy Mỹ-Triều tiến hành các cuộc đối thoại giải quyết vấn đề hạt nhân lẫn trừng phạt Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố ngoại trưởng Mỹ-Hàn đồng thuận rằng cả hai sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để giữ gìn “động lực đối thoại”, theo đuổi phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.

Nhìn nhận một cách khách quan, vai trò của Tổng thống Moon Jae-in như một người điều phối và hòa giải giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Người phát ngôn Văn phòng
Tổng thống Hàn Quốc
 CHEONG WA DAE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm