Lý do các liên minh quân sự ở Trung Đông khó tồn tại

Trong lịch sử Trung Đông từng có nhiều liên minh an ninh và thỏa thuận quốc phòng. Thời Chiến tranh lạnh, Mỹ dàn xếp để Anh và nhiều quốc gia Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq, Pakistan cùng ký Hiệp định Baghdad thập niên 1950 nhằm đối phó ảnh hưởng của Liên bang Xô Viết. Tuy nhiên, hiệp định nhận sự phản đối mạnh từ nhiều nước Trung Đông khác và sụp đổ sau đó vài năm.

Đại diện Pakistan tại lễ ký Hiệp định Baghdad năm 1955. Ảnh: SODIUMMEDIA

Các nước Ả Rập cũng từng thành lập các liên minh quân sự và chính trị. Ai Cập và Syria từng liên minh với UAE vào năm 1958 với mục tiêu thống nhất thế giới Ả Rập. Tuy nhiên, nỗ lực này sụp đổ vào năm 1961. Thập niên 1980, các nước Ả Rập vùng Vịnh (Saudi Arabia, UAE, Kuwait, Qatar, Bahrain, Oman) lập Hội đồng Phát triển vùng Vịnh (GCC). Tuy nhiên, GCC không trở thành một tổ chức quân sự và chính trị nội tại khu vực mà vẫn là một tổ chức khu vực không mang tính cấu trúc.

Theo nhà nghiên cứu Wang Yin, sự thất bại trong các nỗ lực lập liên minh quân sự ở Trung Đông chủ yếu do hai yếu tố chính. Thứ nhất, một liên minh khu vực ở Trung Đông không thể được duy trì nếu có sự mất cân bằng nội tại. Chẳng hạn, liên minh Ai Cập - Syria - UAE sụp đổ vì sự bất mãn của phía Syria với thế thống trị của Ai Cập. Trong trường hợp GCC, các nỗ lực của Saudi Arabia trong chuyển đổi tổ chức này thành một liên minh quân sự khu vực mang tính gắn kết hơn bằng hiệp định lại bị các nước Ả Rập nhỏ hơn phản đối mạnh.

Thứ hai, sự điều phối bên ngoài không thể tạo ra liên minh khu vực mạnh. Như trường hợp của Hiệp định Baghdad, Mỹ đã hy vọng các nước Trung Đông có thể chia sẻ với mình quan điểm về ảnh hưởng của Liên bang Xô Viết trong khu vực, tuy nhiên thực tế thì phần lớn các nước khu vực không xem đây là đe dọa cấp thiết nhất. Một số nước Ả Rập như Ai Cập và Syria, còn xem Liên bang Xô Viết là đối tác đáng tin cậy để chống lại sự can thiệp của Israel và Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm