Lối ra nào cho nội chiến Libya?

Ngừng bắn ngay tức khắc và toàn diện trên toàn lãnh thổ Libya đồng thời nhanh chóng thành lập chính phủ đoàn kết để chấm dứt tình trạng hỗn loạn ở Libya.

Hội nghị quốc tế về Libya tại Rome (Ý) hôm 13-12 (giờ địa phương) đã đưa ra lời kêu gọi như trên.

Một chính phủ đoàn kết duy nhất

17 quốc gia và bốn tổ chức quốc tế tham dự hội nghị ở Rome, bao gồm đại diện năm nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, các nước châu Âu và Ả Rập cũng như LHQ, Liên minh châu Âu, Liên đoàn Ả Rập và Liên minh châu Phi.

Hội nghị do Ngoại trưởng Ý Paolo Gentiloni và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chủ trì.

Tuyên bố chung của hội nghị xác định: Cần xây dựng chính phủ đoàn kết dân tộc đặt tại thủ đô Tripoli để đối phó với các thách thức nguy cấp về nhân đạo, kinh tế và an ninh.

Tuyên bố chung ghi nhận các nước tham dự hội nghị cam kết sẵn sàng ủng hộ chính phủ đoàn kết dân tộc ở Libya về chính trị và hỗ trợ về kỹ thuật, kinh tế, an ninh và chống khủng bố.

Hội nghị lưu ý đặc biệt đến tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng cùng các tổ chức cực đoan và các băng nhóm tội phạm có tổ chức tham gia buôn lậu dưới mọi hình thức, đặc biệt là buôn người (đưa sang châu Âu).

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh: “Chúng tôi không cho phép tình hình nguyên trạng thế này kéo dài ở Libya… Điều này nguy hiểm cho sự sống còn cho Libya, nguy hiểm cho người dân Libya và bây giờ Nhà nước Hồi giáo tự xưng củng cố sự hiện diện thì thật nguy hiểm cho cả mọi người”.

Ba nhân vật chủ chốt trong hội nghị ở Rome ngày 13-12: Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Ý Paolo Gentiloni và đặc phái viên của LHQ về Libya Martin Kobler (từ trái sang). Ảnh: AP

Một đất nước hai chính quyền

Sau khi nhà lãnh đạo Gaddafi bị lật đổ vào tháng 10-2011 trong cao trào “mùa xuân Ả Rập”, nội chiến kéo dài triền miên ở Libya cho đến nay.

Tháng 8-2014, lực lượng dân quân Hồi giáo Fajr Libye (Bình minh Libya) chiếm thủ đô Tripoli, thành lập chính phủ cứu nguy dân tộc và thành lập Đại hội đại biểu toàn quốc.

Chính phủ và Quốc hội hợp pháp thì chạy về tạm trú ở Tobruk. Như vậy hiện thời tại Libya có hai chính phủ và hai Quốc hội.

Mục tiêu của hội nghị ở Rome là tìm cách xây dựng một chính phủ đoàn kết dân tộc ở Libya.

Ý được chọn làm nơi tổ chức hội nghị bởi Ý chỉ cách Libya vùng biển Địa Trung Hải. Ý cũng là đầu cầu người di cư từ bên này Libya đổ bộ sang, sau đó họ tiếp tục di dân vào sâu trong châu Âu.

Nhìn lại lịch sử, chính Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi vào năm 2011 đã thuyết phục tổng thống Mỹ để quân NATO can thiệp vào Libya, cuối cùng Libya trở thành một đất nước hỗn loạn như hiện nay.

Tham dự hội nghị có bốn nước chiến lược đã can thiệp vào bàn cờ chiến sự Libya. Đó là Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất là hai nước ủng hộ “đạo quân các bộ tộc” do tướng nổi dậy Khalifa Haftar chỉ huy, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ là hai nước ủng hộ cánh dân quân Hồi giáo ôn hòa.

Khủng bố lợi dụng hỗn loạn

Reuters đưa tin hội nghị về Libya ở Rome đã cảnh báo: “Những ai gây ra bạo lực và những ai cản trở, phá hoại thời kỳ quá độ dân chủ ở Libya sẽ phải trả giá”.

Lời cảnh báo này đã phản ánh tình hình nguy cấp trước hiểm họa Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Libya.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã tuyên bố: Ngày mai chắc chắn Pháp sẽ đánh Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Libya chứ không chỉ ở Iraq và Syria.

Từ một năm nay, lợi dụng tình hình hỗn loạn ở Libya, các nhóm vũ trang tại Libya đã bắt tay với Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Trong năm 2015, chúng tăng cường tấn công (tấn công khách sạn Corinthia ở Tripoli, hành hình 21 giáo dân Công giáo Coptic Ai Cập…) và đánh chiếm một số thành phố, trong đó có TP Sirte bên bờ Địa Trung Hải.

Chúng thông báo chia Libya thành ba tỉnh: Tripolitania, Cyrenaica và Fezzan.

Từ một trại huấn luyện ở Sabratha (miền Tây) gần biên giới Tunisia, chúng tìm cách mở rộng địa bàn sang Ajdabiya (miền Đông).

Trong băng video về vụ hành hình 21 giáo dân Công giáo Coptic Ai Cập phát hôm 15-2, bọn Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã nói: “Trước kia chúng tao ở Syria. Hôm nay chúng tao đang ở trên đất Hồi giáo tại Libya, phía nam thành Rome”. Thật ra Libya ở châu Phi nhưng chỉ cách châu Âu 500 km.

Từ một năm nay, năm nước thuộc nhóm G5 vùng hạ Sahara (Mauritania, Mali, Burkina Faso, Niger và Chad) lo ngại tình hình khủng bố ở Libya và đã kêu gọi quốc tế can thiệp.

- Ngày 16-12, dự kiến thỏa thuận chính trị giữa các phe nhóm Libya sẽ được ký kết tại Skhirat (Morocco). Các bên đã đạt được thỏa thuận hồi tháng 10 dưới sự bảo trợ của LHQ. Thỏa thuận dự kiến chính phủ tương lai của Libya có thể yêu cầu quốc tế viện trợ quân sự để chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Cuối tuần trước, hai chính quyền ở Libya đã ký kết thỏa thuận nguyên tắc về giải quyết xung đột. Thỏa thuận quy định thành lập một ủy ban gồm 10 người phụ trách chỉ định thủ tướng tạm quyền và hai phó thủ tướng. Dự kiến bầu cử Quốc hội sẽ được tổ chức trong hai năm.

- Sáng 14-12, trả lời đài phát thanh RTL, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nhận định bọn Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã hiện diện ở Sirte (Libya). Chúng mở rộng lãnh thổ trên 250 km dọc bờ biển và đang bắt đầu xâm nhập vào nội địa với ý đồ đánh chiếm các giếng dầu và kho trữ xăng dầu. Ông lưu ý các phe phái ở Libya phải ngừng đánh nhau, bằng không rốt cuộc kẻ chiến thắng về quân sự là bọn Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Ông loại trừ khả năng Pháp can thiệp quân sự vào Libya và cho rằng người Libya đủ phương tiện ngăn chặn khủng bố và đầu tiên là phải đoàn kết về chính trị.

20%-23% lãnh thổ Libya trong vòng kiểm soát của Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Quân số bọn chúng từ 2.000-3.000 tên, trong đó có 1.500 tên ở TP Sirte. Trong số này có bọn Libya sang Syria tham gia khủng bố trở về và các tay súng nước ngoài đến từ Tunisia, Sudan, Yemen.

 ____________________________________

Thông điệp hôm nay đã rõ ràng: Điều quan trọng là ổn định Libya để góp phần đấu tranh chống khủng bố.

Ngoại trưởng Ý PAOLO GENTILONI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm