Lối học nhồi nhét đã ăn sâu ở châu Á

Năm 2010, 74% học sinh Hàn Quốc học thêm với học phí trung bình 2.600 USD/học sinh/năm. Số gia sư tại Hàn Quốc còn đông hơn cả giáo viên. Năm ngoái, khi bộ trưởng giáo dục Singapore bị chất vấn về vấn đề học thêm ở Singapore, ông bào chữa: “Singapore vẫn chưa tệ như Hàn Quốc mà!”.

Để giảm nạn nghiện học thêm, thậm chí Hàn Quốc đã trả tiền cho người báo tin có học sinh học thêm sau 10 giờ đêm. Trấn áp học thêm chỉ là một phần trong chiến dịch lớn của Hàn Quốc nhằm thay đổi nền giáo dục khắc khổ. Từ trung ương đến địa phương, chính quyền đang thay đổi quy chế thi cử và tuyển sinh để giảm tải cho học sinh, đồng thời tăng cường phẩm chất sáng tạo nhiều hơn.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak từng tuyên bố lúc nhậm chức vào năm 2008: Chương trình giáo dục “một tiêu chuẩn cho tất cả” chỉ chú trọng thi vào đại học là điều không thể chấp nhận được.

Giáo dục đã góp phần đưa Hàn Quốc trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ 13 thế giới. Từ năm 1962 đến nay, GDP tăng gấp 400 lần. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc lo ngại nếu giáo dục cứ tiếp tục cứng nhắc và thiếu sáng tạo, công cuộc đổi mới và tăng trưởng kinh tế sẽ ngưng trệ. Thêm vào đó là sinh suất sẽ tiếp tục giảm do áp lực kiếm tiền nuôi con ăn học.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, tại các nước châu Âu như Phần Lan, học sinh ở độ tuổi 15 làm bài thi tốt tương đương học sinh Hàn Quốc dù Phần Lan chi cho giáo dục ít hơn và chỉ 13% học sinh Phần Lan phải học kèm. Tại Trung Quốc, các trường đại học cũng đã bắt đầu tuyển sinh theo hướng Mỹ hóa. Chính quyền lãnh thổ Đài Loan đã hứa sẽ bỏ kỳ thi tuyển sinh vào trung học.

QUANG MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm