Liệu xung đột biên giới Ấn-Trung sẽ lâu dài giống Ấn-Pakistan?

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), ngày 12-10 diễn ra cuộc họp cấp cao lần thứ bảy giữa các quan chức quân đội Trung Quốc và Ấn Độ nhằm thảo luận khả năng giải tán lực lượng và giảm leo thang căng thẳng tại Chushul, phía đông vùng Ladakh, bên phía Ấn Độ của đường Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC). 

Có vẻ cuộc họp khó giúp giải quyết được mâu thuẫn kéo dài hàng tháng nay của hai nước ở biên giới. Cùng ngày 12-10, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh chỉ trích rằng dường như Trung Quốc đang hành động giống Pakistan, cùng “khiến việc tranh chấp biên giới xảy ra như một nhiệm vụ”.

Các binh sĩ tiếp liệu một trực thăng Chinook của Không quân Ấn Độ tại một căn cứ không quân ở Leh, thuộc vùng Ladakh. Ảnh: REUTERS

Căng thẳng biên giới Trung - Ấn đã kéo dài khoảng năm tháng và không có dấu hiệu suy giảm. Ấn Độ và Trung Quốc có thể đối mặt với một thực tế mới không mấy dễ chịu, rằng 'nóc nhà thế giới' (Himalaya) có thể trở thành một khu vực tranh chấp quân sự lâu dài giữa Ấn Độ và Pakistan ở Kashmir. 

Tại Đường kiểm soát (LoC) - dài 740 km, đánh dấu ranh giới Ấn Độ và Pakistan ở Kashmir - từng xảy ra cuộc chiến kéo dài 13 ngày giữa hai nước này vào tháng 12-1971.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn, LoC vẫn thường xuyên xảy ra bạo lực đẫm máu giữa quân đội Ấn Độ và Pakistan. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton từng gọi Kashmir là “nơi nguy hiểm nhất trên thế giới”.

Không giống như Đường kiểm soát (LoC), đường Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) ngăn cách Ấn Độ và Trung Quốc tương đối ít xảy ra xung đột hơn. 

Mặc dù trải qua một cuộc giao tranh toàn diện vào năm 1962 và đều trang bị vũ khí hạt nhân, Ấn Độ và Trung Quốc có một thỏa thuận song phương năm 1993 chỉ cho phép việc triển khai quân sự ở mức độ rất thấp, không có bất kỳ sự phô trương hoặc sử dụng vũ lực nào.

Tuy nhiên, cuộc đụng độ hồi tháng 6 ở biên giới khu vực thung lũng Galwan, phía đông vùng Ladakh và việc hai bên cáo buộc nhau nổ súng ở khu vực này hồi tháng 9 đã phá vỡ các quy tắc của thỏa thuận. 

Kể từ tháng 6, dù đã có ít nhất 18 vòng đàm phán ngoại giao và quân sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ, quan hệ giữa hai nước vẫn chưa có một bước đột phá nào.

Bên cạnh đó, các cựu chiến binh và các nhà phân tích Ấn Độ tin rằng việc hai bên đều chuẩn bị tiếp tế cho quân đội của mình để chống chọi với mùa đông khắc nghiệt ở Ladakh cũng là một dấu hiệu cho khả năng leo thang căng thẳng SCMP đưa tin. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm