Liệu Mỹ có thể cạnh tranh với Trung Quốc ở châu Phi?

Hai thập niên trước, Mỹ là nhân vật quan trọng ở châu Phi và Trung Quốc là một nước có ảnh hưởng tương đối nhỏ. Các đối tác của Mỹ chiếm 15,5% thương mại với châu lục này, gần gấp 4 lần so với 4% mà Trung Quốc tuyên bố, theo tờ South China Morning Post.

Thế cuộc đổi thay

Hai mươi năm sau, mọi thứ đã hoàn toàn đảo ngược. Tỷ trọng thương mại của Mỹ giảm xuống 5,6% vào năm 2020 trong khi Trung Quốc tăng lên 25,6%, theo Hội đồng Đại Tây Dương. Trung Quốc cũng đã trở thành nhà cho vay song phương lớn nhất của châu Phi, đầu tư hàng tỉ USD vào các công trình đường bộ, đường sắt, điện và cảng ở châu lục này.

Để lấy lại phần nào nền tảng đã mất đó, Washington đã công bố kế hoạch hồi sinh sáng kiến “Châu Phi thịnh vượng” - một sáng kiến được đưa ra vào năm 2018 dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump - nhằm mở rộng đầu tư và thương mại với các nước châu Phi và đối phó với việc Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có một số lợi thế nhất định và Mỹ sẽ cần phải đưa ra các cam kết đáng kể để nếu muốn bắt kịp.

Trung Quốc lần đầu tiên khởi xướng chiến lược “Vươn ra toàn cầu” cách đây khoảng 20 năm, khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư và tìm kiếm thị trường ở nước ngoài. Kế hoạch đó đã diễn ra nhanh chóng ở châu Phi. Sau đó, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của lục địa này vào năm 2009.

Vài năm sau, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khởi động dự án cơ sở hạ tầng đặc trưng của mình mang tên Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Mục tiêu là hồi sinh các tuyến đường thương mại cổ xưa và liên kết các nền kinh tế thành một mạng lưới thương mại lấy Trung Quốc làm trung tâm.

Theo ông Landry Signé - chuyên gia về tăng trưởng và phát triển kinh tế ở châu Phi tại Viện Brookings, Washington, ảnh hưởng của Trung Quốc giờ đây không chỉ gói gọn trong lĩnh vực thương mại, nhận định rằng “Mỹ đã đánh mất vị thế đáng kể của mình” trước các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Ông cho biết đầu tư nước ngoài của Trung Quốc đã tăng trung bình 40% hàng năm trong thập niên qua và đã trở thành nhà tài trợ cơ sở hạ tầng song phương lớn nhất ở châu Phi.

Mỹ muốn đối đầu Trung Quốc ở châu Phi: Nói dễ, làm khó

Hôm 27-7, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Mỹ - Châu Phi ở Washington, hai quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ khôi phục sáng kiến “Châu Phi thịnh vượng”.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết đã đến lúc tăng cường quan hệ kinh tế Mỹ - châu Phi. Theo ông, Mỹ đang tái khẳng định cam kết của mình với lục địa trong khuôn khổ sáng kiến “Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn” (B3W) của Tổng thống Biden.

Tại sự kiện này, Giám đốc cấp cao phụ trách châu Phi tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Dana Banks cho biết Mỹ sẽ tập trung vào năng lượng sạch, y tế, kinh doanh nông nghiệp và cơ sở hạ tầng giao thông ở châu Phi.

Ông Biden gần đây đã đề xuất với lãnh đạo các quốc gia công nghiệp phát triển (G7) về kế hoạch cơ sở hạ tầng B3W mà Mỹ cho biết “sẽ là một giải pháp thay thế tiêu chuẩn cao, minh bạch, thân thiện với khí hậu cho Sáng kiến Vành đai và Con đường”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết nói dễ hơn làm vì hiện tại, B3W cũng chỉ mới là một sáng kiến, trong khi đó sáng kiến “Châu Phi thịnh vượng” lại không đầu tư ở quy mô tương tự như BRI.

Khoản đầu tư lớn nhất do Mỹ hậu thuẫn trong những năm gần đây ở châu Phi là khoản cho vay 4,7 tỉ USD để hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ nhằm xây dựng một nhà máy khí hóa lỏng trên bán đảo Afungi của Mozambique, nhưng các vấn đề an ninh tại địa điểm này đã đặt ra nhiều rủi ro đối với việc đầu tư của Mỹ.

Ông Michael Chege - một giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Nairobi, Kenya - cho biết nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại Mỹ rằng chính sách Trung Quốc của ông Biden cho đến nay không khác nhiều so với ông Trump. Theo đó, ông cho rằng sáng kiến “Châu Phi thịnh vượng” là một nỗ lực để kiềm chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi.

Tuy nhiên, ông cho biết ngay cả việc bổ sung B3W cũng sẽ không thể thách thức BRI ở châu Phi, vì các dự án phương Tây mất quá nhiều thời gian để khởi động.

Ông cho biết các sáng kiến như B3W được hoan nghênh vì chúng tăng cường các nguồn lực sẵn có để đầu tư vào châu Phi và đa dạng hóa các nguồn đầu tư đó. Tuy nhiên, ông cho rằng B3W khó có thể thay thế BRI, vì Trung Quốc có một số lợi thế nhất định như cung cấp cơ sở hạ tầng chất lượng tương đối cao và có khả năng cạnh tranh về giá tại các thị trường châu Phi.

Mỹ có thể khôi phục hiện diện ở châu Phi nếu B3W thành công

Các nhà phân tích cho rằng cách tiếp cận tổng thể của chính quyền mới của Mỹ đối với châu Phi có thể sẽ mạnh mẽ và chặt chẽ hơn.

“Cả sáng kiến Châu Phi thịnh vượng và B3W đều có thể được coi là phản ứng của Mỹ đối với sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Châu Phi và các nơi khác” - ông Seifudein Adem - Giáo sư Toàn cầu học tại Đại học Doshisha, Nhật Bản - cho biết.

Theo ông, nếu thành công, B3W có thể giúp phục hồi sự hiện diện của Mỹ ở châu Phi. Chỉ khi đó, Trung Quốc mới có thể đối mặt với sự cạnh tranh thực sự trên châu lục.

Ông David Shinn - Giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học George Washington, Mỹ - cho biết các chương trình của Mỹ phụ thuộc nhiều vào khu vực tư nhân trong khi BRI phụ thuộc vào chính phủ Trung Quốc.

“Việc quản lý các chương trình của khu vực tư nhân khó hơn so với các chương trình do một chính phủ lãnh đạo. Tuy nhiên, nỗ lực của khu vực tư nhân, theo quan điểm của tôi, sẽ bền vững hơn và đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu của các nước châu Phi” - ông Shinn nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm