Liên minh Nga-Trung - kỳ 3: Nỗi sợ 'ông kẹ da vàng' nguy hiểm

Nga sẽ bị Hán hóa?

Một mối lo ngại khác có thể làm suy yếu tiềm năng hình thành một liên minh Nga - Trung chính là vấn đề nhân khẩu học. Thực trạng dân số quá đông đúc của Trung Quốc so với lượng dân cư thưa thớt của Nga, đặc biệt ở vùng lãnh thổ Viễn Đông, thường xuyên xuất hiện trong các ấn phẩm sách, báo, tạp chí.

Một số ấn phẩm đề cập đến khả năng một lượng lớn dân chúng sẽ di cư từ Trung Quốc. Các ấn phẩm khác khắc họa nên một bức tranh đáng sợ về sự tiêu vong bản sắc dân tộc, đe dọa tính toàn vẹn lãnh thổ của Nga, đồng thời tình trạng “Hán hóa trầm trọng" có thể xảy ra bởi có quá nhiều người Trung Quốc và quá ít người Nga sinh sống dọc theo đường biên giới Nga-Trung.

Theo Nhà nghiên cứu Joseph Nye (Mỹ), một trong những vấn đề chính yếu cản trở sự hình thành của một liên minh chính thức Nga-Trung là tỷ lệ dân số sáu triệu người Nga trên 120 triệu người Trung Quốc sống tại khu vực phía Đông Siberia.

Những học giả khác viết rằng Nga miễn cưỡng trong việc hình thành một liên minh với Trung Quốc bởi nước này “bị suy giảm về dân số", và lo ngại rằng tình trạng di cư không được kiểm soát của các công dân Trung Quốc vào khu vực có dân cư thưa thớt tại vùng Viễn Đông và Siberia của Nga, dẫn đến nguy cơ các khu vực này bị Trung Quốc lấn át.

Dân số Nga không giảm

Nếu xem xét vấn đề kỹ càng hơn thì quan điểm cho rằng nhân khẩu học là vấn đề khiến Nga lo lắng khi hình thành liên minh với Trung Quốc đã phá sản.

Trước hết, sự suy giảm dân số của Nga hiện nay không còn đúng nữa mà thay vào đó xu hướng đã bị đảo ngược từ cuối những năm 2000. Trong năm 2009, dân số Nga đã phát triển, tăng thêm 23.300 người. Năm 2012, dân số của nước này tăng thêm 292.400 người.

Trong năm 2013, tổng tỷ suất sinh của Nga đạt 1.707 trẻ em trên một phụ nữ, xếp vào loại cao nhất tại khu vực phía Đông, phía Nam và miền Trung của châu Âu; xu hướng suy giảm dân số đã bị đảo ngược, tăng trưởng dân số tự nhiên đã bắt đầu diễn ra. Các số liệu phản ánh xu hướng nhân khẩu học trong dài hạn của Nga phủ định quan niệm cho rằng dân số nước Nga đang bị suy giảm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Putin trong lễ ký kết các thỏa thuận giữa doanh nghiệp hai nước.

Dân cư Trung Quốc ồ ạt sang Nga chỉ mang tính định kiến

Nếu nhìn vào khoảng cách nhân khẩu học giữa các khu vực biên giới của Nga và Trung Quốc, thì tình hình không hề căng thẳng như bức tranh được khắc họa, và cũng không có lý do gì để dự báo rằng dân cư của Trung Quốc sẽ di cư ào ạt đến vùng Viễn Đông của Nga.

Khi so sánh mật độ dân số ở các tỉnh biên giới của Trung Quốc với các tỉnh/khu vực biên giới tương ứng của Nga và Mông Cổ (một quốc gia Trung-Đông Á giáp với Liên bang Nga về phía bắc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về phía nam, phía đông và phía tây), có thể thấy tỷ lệ giữa mật độ dân số của một tỉnh Trung Quốc với một tỉnh biên giới tương ứng ở Nga và Mông Cổ không có xu hướng quá chênh lệch.

Mật độ trung bình của hai vùng krai và oblast của Nga giáp với Trung Quốc thấp hơn 17,83 lần so với các tỉnh Trung Quốc giáp biên giới với Nga.

Đối với trường hợp của Mông Cổ, đất nước có chung đường biên giới dài với Trung Quốc, thì con số này là 32,9 lần. Khoảng cách dân số giữa các tỉnh Mông Cổ và Trung Quốc giáp biên còn lớn hơn nhiều.

Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa có biểu hiện mong muốn chiếm lấy các tỉnh của Mông Cổ (một nhà nước hầu như không có khả năng tự vệ), có dân cư thưa thớt hơn cả Nga.

Nếu Trung Quốc không chiếm các lãnh thổ biên giới của Mông Cổ, vậy lý do gì thúc đẩy Trung Quốc tiến hành chiếm lấy lãnh thổ của một siêu cường hạt nhân?

Hơn nữa, Trung Quốc đã có sẵn một “Siberia” của riêng đất nước mình – khu vực Tây Tạng và Thanh Hải-với mật độ dân số thấp hơn 60 và 20 lần so với các tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang, giáp biên với Nga. Sự mất cân bằng dân số tự nhiên không phải là một điều kiện cần và đủ để vấn đề di cư diễn ra.

Trái với các giả định cho rằng Trung Quốc sẽ bành trướng về dân số, các xu hướng nhân khẩu học ở quốc gia này hiện đã và đang bước vào giai đoạn tỷ lệ sinh rất thấp.

Vào đầu những năm 1990, tổng tỷ suất sinh vượt mức 2.14, bằng với mức tỷ sinh thay thế. Vào cuối năm 1990, tổng tỷ suất sinh đạt 1.8, và vào năm 2011 con số này là 1,5, thấp hơn nhiều so với Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, và Pháp.

Theo kết quả điều tra dân số lần thứ sáu của Trung Quốc, tại các thành phố lớn, tổng tỷ suất sinh đã giảm xuống còn 0,88, một trong những tỷ suất sinh thấp nhất trên thế giới.

Mức thấp nhất 0,14 trong toàn bộ lịch sử tỷ suất sinh của con người đã được ghi nhận vào năm 2000 trong khu đô thị của Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, giáp biên giới với Nga. Các chuyển biến mạnh mẽ này gây ra tình trạng lão hóa dân số nhanh chóng. Trong những năm tới, Trung Quốc sẽ cần đến lực lượng dân số trong độ tuổi lao động ở lại để phụng sự đất nước.

Quan trọng nhất, nghiên cứu gần đây về các mô hình di cư cho thấy rằng người Trung Quốc không đến Nga và vùng Viễn Đông của Nga với số lượng lớn.

Hầu hết những người di cư đều trở về nhà sau khi thị thực hoặc giấy phép lao động của họ hết hiệu lực. Đây chính là trường hợp điển hình trong giai đoạn đầu những năm 2000, khi dân số của Nga giảm xuống và Trung Quốc còn là nước nghèo; thậm chí tình hình này vẫn kéo dài cho đến hiện nay, khi xu hướng giảm dân số ở Nga đã bị đảo ngược và mức sống ở Trung Quốc đã được cải thiện nhiều hơn.

Phương Tây "thổi phồng sự thật"?

V.Ya. Portyakov trong một loạt các bài viết nghiên cứu về sự di dân của người Trung Quốc sang Nga đã bác bỏ một cách thuyết phục vấn đề quy mô di cư.

Thực trạng người Trung Quốc di cư sang Nga đã bị thổi phồng bởi giới phương tiện truyền thông thiếu trách nhiệm, và các chính trị gia địa phương của Nga – những người cố gắng dựng lên một thành trì chính trị bằng cách vẽ ra một bức tranh, trong đó các chính trị gia đang chống lại mối đe dọa Trung Quốc.

Một nhà báo người Nga đã nhận định nội hàm của hiện tượng này như sau: "Nga không phải là một vùng đất hứa cho những người Trung Quốc mong muốn định cư ở đó, trong khi các chuyến đi tới Nga đơn giản chỉ là một nhu cầu mang tính cưỡng bách về kinh tế."

Portyakov chứng tỏ rằng Nga không phải là một điểm đến ưu tiên cho những người di cư Trung Quốc. Lực lượng những tiếng nói đại diện có trách nhiệm trong cộng đồng hàn lâm Nga, những người không bao giờ tự bịa ra các “mối đe dọa”, đang ngày càng tăng lên.

Mọi người đều đồng ý rằng người nhập cư Trung Quốc không hề có tác động đáng kể đến tình hình nhân khẩu ở vùng Viễn Đông Nga, và khi được quản lý đúng cách thì nơi đây có thể trở thành lợi ích địa chính trị của Nga.

Các quan điểm thiếu căn cứ, và những khuôn khổ mang tính áp đặt về hiện tượng di cư Trung Quốc sang Nga đang dần biến mất, trong khi sự hiểu biết đầy đủ về bản chất của việc di cư tạm thời đang dần được hình thành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm