Liên minh châu Âu sẽ tan rã vì… tiền?

Bóng ma của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới bắt đầu từ năm 2008 vẫn còn ám ảnh châu Âu đến giờ này. Mới đây thôi, Ireland suýt khánh tận và phải cầu cứu gói cứu trợ của EU. Và danh sách "chuông nguyện hồn" những thành viên của khối này vẫn còn dài mà cận kề nhất là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italia.

Việc một thành viên gặp nạn thì cả liên minh phải cứu giúp là lẽ đương nhiên nếu không con tàu EU sẽ chìm. Tuy nhiên, bắt cử tri của mình cắt giảm chi tiêu đủ thứ để đem tiền đi cứu trợ người khác là một điều vô cùng nguy hiểm với các chính trị gia. Những tấm gương về sự trừng phạt của cử tri vẫn còn sờ sờ trước mặt. Gần đây nhất là Thủ tướng Ireland buộc phải tuyên bố bầu cử trước thời hạn để đổi lấy cái gật đầu của Quốc hội nước này về kế hoạch cắt giảm chi tiêu và cầu cứu EU, trước đó nữa là Thủ tướng Đức Merkel rồi đảng cầm quyền Tây Ban Nha cũng đã phải nhận sự trừng phạt của cử tri trong các cuộc bầu cử địa phương. Trước sức ép của lá phiếu cử tri, nhiều nước đã nghĩ tới chuyện rút lui khỏi liên minh tiền tệ euro.

Ngày 3/12, nhật báo The Guardian của Anh đưa ra một thông tin động trời, rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel từng cảnh cáo Berlin có thể rời khỏi hệ thống đơn vị tiền tệ euro trong một cuộc tranh cãi gay gắt tại Hội nghị Thượng đỉnh EU hồi cuối tháng 10 vừa qua. Theo The Guardian, bà Merkel đưa ra phát biểu trên tiếp theo cuộc tranh luận với Thủ tướng Hy Lạp, George Papandreou. The Guardian trích dẫn lời phát biểu của bà Merkel cho biết: "Nếu nhóm euro trở thành câu lạc bộ kiểu này, có lẽ nước Đức cần phải rút ra".

Tuy nhiên, ngay sau khi bài báo trên được phổ biến, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức, ông Steffen Seibert nói rằng, thông tin mà The Guardian đăng tải là không chính xác và bà Merkel không có những phát biểu như vậy. Và Chính phủ Đức hoàn toàn ủng hộ đồng euro. Riêng với trường hợp của Đức, các nhà kinh tế học vẫn cho rằng, việc từ bỏ đồng euro sẽ không được chính phủ của bà Merkel cân nhắc tới, ít nhất là trong thời gian tới.

Liên minh châu Âu sẽ tan rã vì… tiền? ảnh 1

Khu vực đồng euro sẽ bị giải thể?

Sau Đức, trang nhất của nhật báo Le Figaro ngày 21/12/2010 nêu ra vấn đề, đâu là cái giá phải trả nếu nước Pháp từ bỏ đồng euro. Theo tờ báo, đây là một kịch bản đầy tai họa, khó có thể hình dung đối với nước Pháp. Nếu khu vực đồng euro tan rã, các nước quay trở lại với đồng tiền quốc gia trước đây, thì sẽ dẫn đến nạn suy thoái trên toàn châu Âu, kể cả nước Đức. Riêng đối với Pháp, sản xuất sẽ bị sụt giảm 10%, tỉ lệ thất nghiệp sẽ là 13,8%.

Về vấn đề này thì "Không có kế hoạch B". Đó là câu trả lời dứt khoát từ Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Pháp, hai định chế chịu trách nhiệm quản lý tình hình nếu khu vực đồng euro tan rã, Paris trở lại với đồng frăng Pháp cũ. Theo hai cơ quan trên, thì kịch bản này là tệ hại nhất. Chỉ có Mark Cliffe, một nhà kinh tế thuộc Ngân hàng ING đưa ra những con số cụ thể.

Le Figaro nhắc lại trường hợp của Argentina vào cuối năm 2001, đã quyết định chấm dứt hệ thống tỉ lệ chuyển đổi cố định giữa đồng peso và đồng USD, sau đó đồng peso đã bị mất giá đến 55%. Tổng sản phẩm nội địa giảm 11%, tỉ lệ thất nghiệp lên đến 20%, và tỉ lệ lạm phát 40%. Tờ báo đặt câu hỏi, liệu châu Âu có tồn tại nếu đồng tiền chung biến mất?

Điều chắc chắn là thị trường sẽ ra tay trước, và theo dự đoán của ông Mark Cliffe, thì đồng euro sẽ sụt xuống chỉ còn tương đương với 0,85 USD. Nhiều khó khăn khác nảy sinh như vấn đề chuẩn bị cung cấp lượng tiền mới, kiểm soát vốn đầu tư tại châu Âu... Riêng với Pháp, thì năm đầu tiên tổng sản phẩm nội địa sẽ giảm 4%, và tính chung trong vòng 3 năm là 10%. Nạn giảm phát sẽ làm cho thất nghiệp của Pháp lên 13,8%, còn Tây Ban Nha lên đến 25,5%. Giá cả giảm xuống, tiền lương cũng giảm, và lãi suất trái phiếu Pháp và Đức thời hạn 10 năm chỉ còn khoảng 1%. Xăng dầu sẽ đắt đỏ hơn, giá 1 lít xăng sẽ tăng lên đến 1,75 euro. Thị trường tài chính sẽ phải đóng cửa một tuần lễ, việc thanh toán quốc tế sẽ bị kiểm soát và tạm ngưng một thời gian cần thiết.

Tờ báo nhắc lại trước đây, Argentina đã phải giới hạn việc rút tiền của các cá nhân tối đa 250 USD/tuần, và sau đó phải tạm ngưng. Tỉ lệ chuyển đổi được Argentina ấn định có lợi cho người vay tiền hơn là với người gửi tiền tiết kiệm, khiến các ngân hàng bị mất quân bình, chính phủ phải trợ cấp để ngân hàng khỏi phá sản. Còn với nước Pháp, 2/3 trong tổng số nợ công 1.200 tỉ euro đang do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ, Pháp sẽ thiệt hại nặng nề nếu đồng frăng mới bị sụt giá so với "đồng euro cũ".

Trong bài xã luận, Le Figaro lo ngại, nợ Chính phủ Pháp tính bằng euro vốn đã quá nặng, khi đồng tiền mất giá thêm thì sẽ ra sao? Làm thế nào tránh được sự phá sản của các ngân hàng? Ai sẽ bảo vệ cho nước Pháp chống nạn siêu lạm phát, và ai có thể tin được là việc quay trở lại với đồng frăng là đủ để tái công nghiệp hóa, trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay?

Câu hỏi cuối: Liệu việc từ bỏ đồng euro có là tiếng chuông báo hiệu sự tan rã của Liên minh châu Âu? Theo Le Figaro, Hiệp ước Lisbon đã nói rõ đây là một liên hiệp kinh tế và tiền tệ, trong đó đồng tiền sử dụng là đồng euro. Và như vậy, quay mặt với đồng tiền chung euro cũng là kết thúc một Liên minh châu Âu.

Quốc Hùng tổng hợp (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm