Liên minh châu Âu nhận giải Nobel Hòa bình

Liên minh châu Âu nhận giải Nobel Hòa bình ảnh 1

Lá cờ của Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: AFP

Thông báo chính thức xác nhận chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm nay được đưa ra tại thủ đô Oslo của Na Uy lúc 11 giờ hôm nay theo giờ địa phương (16 giờ theo giờ Hà Nội).

"Liên minh này và những tổ chức tiền thân của nó đã đóng góp cho sự tiến triển của hòa bình và hòa giải, dân chủ và nhân quyền ở châu Âu ", AFP dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Nobel Thorbjoern Jagland giải thích về quyết định trao thưởng. "Trong giai đoạn hơn 70 năm qua, Đức và Pháp trải qua ba cuộc chiến. Ngày nay, chiến tranh giữa hai nước này lại là chuyện không tưởng. Điều đó cho thấy, thông qua những nỗ lực đúng định hướng và việc xây dựng lòng tin lẫn nhau, những đối phương trong lịch sử có thể trở thành đối tác thân cận".

Tuy nhiên, Giải Nobel Hòa bình dành cho Liên minh Châu Âu (EU) trong thời điểm này vẫn là một bất ngờ, khi sự gắn kết của lục địa này phải đối mặt với thử thách khó khăn nhất sau nhiều thập kỷ. Đặc biệt, những rạn nứt đã xuất hiện giữa vùng miền nam ngập trong nợ nần và khu vực phía bắc giàu có hơn.

Phản ứng sau khi thông tin EU nhận giải Nobel Hòa bình được chính thức công bố, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Martin Schulz cho hay ông cảm thấy "xúc động sâu sắc" và "vinh dự". Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso thì cho biết giải Nobel Hòa bình là vinh dự lớn lao của 500 triệu người dân EU.

Ủy ban Nobel Na Uy có danh sách 231 cá nhân và tổ chức được đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm nay. Danh sách này là tuyệt mật. Bởi vậy, càng gần tới ngày công bố giải, những lời đồn đoán về người hoặc tổ chức được trao giải càng nhiều hơn. Phạm vi những cái tên có khả năng giành giải khá rộng, tuy nhiên, tính tới cuối ngày hôm qua, Liên minh châu Âu đã vượt lên dẫn đầu khi nhận được nhiều dự đoán nhất.

Kênh truyền hình nhà nước nổi tiếng NRK của Na Uy hôm nay cho rằng ủy ban chịu trách nhiệm trao giải sắp đi tới quyết định cuối cùng, và sẽ trao vinh dự này cho Liên minh châu Âu (EU) đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Cộng đồng Than và Thép châu Âu (ECSC), tiền thân của EU. ECSC khi đó được lập ra để giúp mang lại hòa bình và ổn định cho một châu lục vừa bị chia rẽ sâu sắc bởi chiến tranh. Một giờ trước khi giải Nobel Hòa bình chính thức được công bố, NRK một lần nữa khẳng định EU sẽ được trao vinh dự.

Trước đó, NRK cũng cho rằng cuộc đấu tranh đang diễn ra vì quyền tự do cá nhân tại Đông Âu hay Giám mục Mexico, Raul Vera Lopez là những ứng viên hàng đầu, đồng thời khẳng định có lý do để tin rằng sẽ chỉ có một người thắng cuộc duy nhất để nhận giải Nobel Hòa bình năm nay. Giải này năm ngoái được trao cho ba phụ nữ là Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, "chiến binh hòa bình" và là đồng hương Liberia Leymah Gbowee, cùng nhà hoạt động Tawakkul Karman của phong trào Mùa xuân Arab ở Yemen.

Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, Thorbjoern Jagland như thường lệ vẫn úp mở về người sẽ được tôn vinh. Ông chỉ nói với nhật báo Aftenposten của Na Uy rằng 5 thành viên của ủy ban đã có một quyết định nhất quán và không quá khó để đạt được điều này.

Ngoài những cái tên nói trên, Maggie Gobran, được mệnh danh là "Mẹ Teresa" của những khu ổ chuột tại thủ đô Cairo của Ai Cập, dẫn đầu trong danh sách những người có thể nhận giải Nobel Hòa bình theo thống kê của một trang cá cược, với tỷ lệ 6,5/1. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, cựu thủ tướng Đức Helmut Kohl hay người tiết lộ tin cho WikiLeaks, Bradley Manning cũng được cho là có trong danh sách.

Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình ở thủ đô Oslo của Na Uy, ông Kristian Berg Harpviken theo sát công việc của ủy ban giải hòa bình và mỗi năm lại đưa ra một danh sách rút gọn của những người có thể nhận giải. Danh sách năm nay của ông Harpviken gồm có học giả người Mỹ Gene Sharp, nhóm nhân quyền Nga Memorial và người sáng lập Svetlana Gannushkina, đài phát thanh Echo of Moscow của Nga và tổng biên tập Alexei Venediktov. Đặc biệt, Tổng thống Myanmar Thein Sein cũng có tên trong danh sách này, cùng với Tổng giám mục Nigeria John Onaiyekan, nhà hoạt động nhân quyền Sima Samar người Afghanistan, hay nhà hoạt động nhân quyền người Cuba, Oscar Elias Biscet.

Cá nhân hoặc tổ chức được trao giải Nobel Hòa bình sẽ nhận chứng nhận Nobel, huy chương vàng cùng 8 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 1,2 triệu USD). Lễ trao giải sẽ được diễn ra tại thủ đô Oslo của Na Uy vào ngày 12/12, đúng vào dịp kỷ niệm ngày mất của nhà công nghiệp Thụy Điển kiêm người sáng lập giải, Alfred Nobel.

Theo Nhật Nam (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm