Liên Hiệp Quốc họp chọn tổng thư ký

Ngày 12-4, Đại Hội đồng LHQ bắt đầu điều trần công khai nhằm chọn người vào vị trí Tổng Thư ký LHQ, thay ông Ban Ki-moon sẽ hết nhiệm 31-12.

Cuộc điều trần này diễn ra trong ba ngày, theo hãng tin AFP (Pháp).

Các ứng viên trả lời chất vấn về các cuộc khủng hoảng toàn cầu, từ biến đổi khí hậu đến tìm kiếm hòa bình Trung Đông.

Tám ứng cử viên trình bày quan điểm của mình trước 193 thành viên Đại hội đồng LHQ.

Cuộc điều trần chọn Tổng Thư ký LHQ mới của Đại hội đồng LHQ ngày 12-4. (Ảnh: CCTV-AMERICA)

Tham gia ngày điều trần 12-4 gồm có 3 ứng viên. Đó là Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) Irina Bokova vốn là cựu Ngoại trưởng Bulgari, ông Antonio Guterres (Bồ Đào Nha) từng là Cao ủy LHQ về người tị nạn. Và ứng viên trẻ nhất là Ngoại trưởng Montenegro Igor Luksic 39 tuổi.

Ngày điều trần 13-4 sẽ có hai ứng viên trình bày quan điểm. Đó là cựu Tổng thống Slovenia Danilo Turk, cựu Ngoại trưởng Croatia Vesna Pusic, cựu Ngoại trưởng Moldova Natalia Gherman.

Giám đốc Chương trình phát triển LHQ đồng thời là cựu Ngoại trưởng New Zealand Helen Clark, cựu Ngoại trưởng Macedonia Srgjian Kerim sẽ điều trần vào ngày 14-3.

Trong số tám ứng viên, bà Irina Bokova 63 tuổi được cho là một trong những ứng viên tiềm năng. Bà Irina Bokova được Nga ủng hộ, cho rằng Tổng Thư ký LHQ mới nên là người đến từ Đông Âu - khu vực duy nhất trên toàn cầu chưa có người đại diện vào vị trí này trước nay.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Mogens Lykketoft (phải) và bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại phiên điều trần ngày 12-4. (Ảnh: AFP)

Nếu được chọn, bà Bokova năm nay 63 tuổi sẽ là phụ nữ đầu tiên giữ chức Tổng Thư ký LHQ.

Trong hàng thập kỷ, lựa chọn Tổng Thư ký LHQ hầu như luôn thuộc về Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ và nằm trong tay 5 thành viên thường trực là Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, và Mỹ. Quá trình chọn cũng không diễn ra công khai.

Tuy nhiên, năm 2015 Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu thay đổi tiến trình chọn người đứng đầu LHQ, yêu cầu các ứng viên gửi thư ứng cử vào vị trí này, cùng với lý lịch và đồng ý tham gia điều trần.

Quyết định cuối cùng về việc chọn Tổng Thư ký LHQ vẫn thuộc về HĐBA. Tuy thế tiến trình này cũng sẽ tạo áp lực buộc các thành viên chọn ứng viên đã thuyết phục được đa số thành viên Đại hội đồng LHQ qua các cuộc điều trần.

Tháng 7 tới, HĐBA sẽ bắt đầu mở cuộc bỏ phiếu thử để thăm dò mức độ ủng hộ cho từng đối thủ.

Cuộc bỏ phiếu cuối cùng dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9. Sau đó 15 nước thành viên HĐBA sẽ trình tên người chiến thắng lên Đại hội đồng LHQ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm