Liên Hiệp Quốc dàn xếp Syria để tập trung đánh IS

Một nghị quyết hôm thứ Sáu 18-12 do chính Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí thông qua yêu cầu các bên tiến hành đàm phán nhiều kỳ về hiệp ước ngừng bắn.

Hiệp ước này sẽ như một sự thỏa thuận quốc tế giữa chính quyền Syria và các bên đối lập cũng như định đoạt thời hạn hai năm Syria xây dựng chính phủ thống nhất và hợp lý.

 Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon. (ảnh: AFP)

Thoạt nhìn, nghị quyết mang lại những tín hiệu lạc quan cho hòa bình Syria. Tuy nhiên, bài viết trên tờ Washington Post chỉ rõ rất nhiều điểm khiến hòa bình ở Syria rất khó xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh các cường quốc Mỹ, Nga và các bên liên quan như Iran, Ả Rập Saudi và cả nhà nước Syria đang đối đầu nảy lửa.

Cuộc bỏ phiếu thống nhất lần này của Hội đồng bảo an LHQ thể hiện sự thống nhất hiếm hoi về vấn đề Syria.

Trong khi trước đó, năm 2011, có bốn nghị quyết không được thông qua vì Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống khi cho rằng chúng chống lại chính quyền Syria lúc bấy giờ.

Theo Washington Post, những văn bản này đã có thể là các biện pháp quốc tế hữu hiệu đẩy lùi cuộc nội chiến, ngăn chặn tổng thống Syria Bashar al-Assad thanh trừng các phe đối lập chính trị.

Từ đó nội tình bớt rối ren và tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS đã không thừa cơ hội thiết lập đế chế riêng của mình ở Iraq và Syria, đe dọa cả châu Âu và Nga.

Dường như nếu không kết thúc cuộc nội chiến sớm, liên minh chống IS không còn cơ hội nào hạ gục tổ chức cực đoan này nữa.

LHQ đang cố dàn xếp cuộc nội chiến để rảnh tay chiến đấu với IS. (ảnh: AFP)

Mặc dù các thành viên trong Hội đồng Bảo an LHQ đã chịu lắng nghe nhau nhưng họ vẫn chưa thống nhất việc các nước có nên công khai đại diện cho các tổ chức ly khai chống ông Assad mà họ tài trợ hay không.

Ngay cả tương lai của ông Assad cũng là vấn đề đáng bàn. Chưa gì đã thấy nhóm nổi dậy phe Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt phản đối sự tồn tại của chính quyền đương thời Syria.

Trong khi đó, theo báo phương Tây, Nga và Iran lại ra sức bảo vệ “ngai vàng” cho ông Assad bằng tiền và bằng tiềm lực quân sự. Vừa mới đây, Mỹ ậm ừ đồng tình với đồng minh của mình rằng chính quyền Assad nên sụp đổ.

Có lẽ với nhiều ý kiến trái chiều như vậy, các bên vẫn sẽ gặp ca khó khi phải tranh luận nên hay không việc chuyển giao quyền lực cho bên nào xứng đáng hơn.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, có khi chính quyền Assad không còn thì tình hình Syria sẽ bất ổn hơn.
Dẫu vậy, tín hiệu kêu gọi cuộc ngừng chiến giữa chính quyền Syria và các phe nổi dậy đã là một bước tiến lịch sử, tạm lắng bớt đau thương cho người dân Syria. Dự kiến Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon là người được tín nhiệm nhiều nhất trong việc giám sát buổi đàm phán. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm