Lãnh đạo đảng Cộng hòa muốn hoãn luận tội ông Trump

Lãnh đạo phe thiểu số đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đang đề xuất hoãn phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đến giữa tháng 2 để ông có thời gian chuẩn bị, đài CNN đưa tin.

Bao giờ Thượng viện luận tội ông Trump?

Đề xuất của ông McConnell với Lãnh đạo Đa số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer khiến nhiều người đặt câu hỏi về thời điểm diễn ra phiên xét xử luận tội ông Trump, dù hiện chưa rõ đảng Dân chủ có tiếp tục kế hoạch này hay không. Hạ viện vẫn chưa chính thức đệ trình các điều khoản luận tội lên Thượng viện.

Khi được hỏi về phản hồi của ông Schumer, ông McConnell cho biết: “Ông ấy vẫn chưa trả lời, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận về điều này”.

Lãnh đạo phe thiểu số đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell. Ảnh: GETTY IMAGES

Ông McConnell cho biết rằng ông muốn xây dựng một quy trình xét xử để các bước mang tính hình thức như chính thức đọc điều khoản luận tội có thể diễn ra vào ngày 28-1.

Theo đó, ông Trump sẽ có một tuần để phản hồi về những điều khoản luận tội (muộn nhất là vào ngày 4-2) và một tuần sau đó nhóm của ông Trump có thể nộp hồ sơ biện hộ trước khi phiên xét xử bắt đầu.

Trong một cuộc họp vào ngày 21-1, ông McConnell nói với các thành viên đảng Cộng hòa rằng ông không vội vàng bắt đầu phiên xét xử. Theo ông, Hạ viện có thể tiến hành luận tội ông Trump một cách rất nhanh chóng, nhưng Thượng viện cần thời gian để chuẩn bị cho một phiên xét xử đầy đủ.

“Các thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện đều tin rằng chúng ta hoàn toàn không thể cho phép một phiên xét xử nửa vời làm gián đoạn quá trình đúng đắn mà cựu tổng thống Trump đáng được có” - ông McConnell tuyên bố.

Mặc dù quyết định về việc khi nào bắt đầu phiên xét xử là tùy thuộc vào đảng Dân chủ, nhưng cũng có nhiều lý do khiến các nghị sĩ đảng Dân chủ và cả từ phía Nhà trắng đồng tình với việc hoãn phiên xét xử, bởi điều này sẽ giúp Thượng viện có thêm thời gian xác nhận các đề cử trong nội các của ông Biden.

“Chúng tôi đã nhận được đề xuất của ông McConnell và sẽ xem xét và thảo luận với ông ấy” - Phát ngôn viên Justin Goodman của ông Schumer cho hay.

Về phía Hạ viện, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết rằng Hạ viện đã “sẵn sàng” bắt đầu phiên xét xử nhưng sẽ đợi cho tới khi Thượng viện đã sẵn sàng thì mới chính thức gửi các điều khoản luận tội.

Luận tội ông Trump sau khi mãn nhiệm có hợp hiến?

Ông Trump là tổng thống đầu tiên bị luận tội hai lần và sẽ là cựu tổng thống đầu tiên bị luận tội tại Thượng viện khi mãn nhiệm.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Sau phiên luận tội ông Trump lần 2 tại Hạ viện, cựu Thẩm phán của Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 4 J. Michael Luttig đã cân nhắc về một số câu hỏi liên quan đến Hiến pháp. 

Vào ngày 12-1, ông Luttig viết trên tờ Washington Post rằng "Quốc hội mất thẩm quyền theo Hiến pháp trong việc tiếp tục các thủ tục luận tội" ông Trump sau khi ông mãn nhiệm bởi vì "quyền lực duy nhất của Thượng viện theo Hiến pháp là kết tội - hoặc không kết tội - một tổng thống đương nhiệm".

Kể từ đó, một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, bao gồm các ông Tom Cotton, Joni Ernst và Roger Marshall, cho biết họ không nghĩ rằng việc luận tội ông Trump tại Thượng viện sau khi ông rời nhiệm sở là hợp hiến.

Tuy nhiên, nhiều học giả khác lại cho rằng việc luận tội cựu tổng thống là hợp hiến.

Giáo sư Laurence Tribe của Trường Luật Harvard và chuyên gia pháp lý Steve Vladeck của CNN đều cho rằng việc tiến hành luận tội ông Trump là hoàn toàn hợp hiến dù ông không còn tại vị. 

Ông Tribe lưu ý rằng việc một cựu tổng thống không còn có thể bị cách chức "không liên quan đến việc liệu ông ta có thể bị cấm tái tranh cử vĩnh viễn khi bị kết án hay không".

Theo ông Vladeck, quyền lực của Thượng viện để truất quyền năm giữ chức vụ trong tương lai của một cá nhân là "bằng chứng" cho thấy việc luận tội một cựu công chức là hoàn toàn hợp hiến.

Do vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này, nên rất có thể Quốc hội phải nhờ đến sự can thiệp của Tòa án Tối cao Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm