Lãnh đạo các nước 'chờ đợi' gì từ lễ nhậm chức của ông Biden?

Tạp chí Forbes và hãng tin Reuters đã điểm qua một số phản ứng từ lãnh đạo một số nước trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden diễn ra vào ngày 20-1.

Theo đó, nhiều nhà lãnh đạo nhìn nhận sự kiện ông Biden trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng vào ngày 20-1 là cơ hội để bắt đầu lại và cải thiện các mối quan hệ sau bốn năm sóng gió trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump với "phong cách lãnh đạo độc đáo" và chính sách “Nước Mỹ trên hết”.

Ông Donald Trump kết thúc nhiệm kỳ tổng thống Mỹ ngày 20-1. Ảnh: GETTY IMAGES / FORBES

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: "Buổi lễ nhậm chức tại Điện Capitol là minh chứng cho sự kiên cường của nền dân chủ Mỹ. Một lần nữa, sau bốn năm dài, châu Âu đã có một người bạn trong Nhà Trắng”.

“Mỹ đã trở lại. Và châu Âu đã sẵn sàng. Để kết nối lại với một đối tác cũ và đáng tin cậy, để thổi cuộc sống mới vào liên minh của chúng ta. Tôi mong muốn được làm việc cùng với ông Biden" – bà Von der Leyen bày tỏ.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết mối quan hệ EU-Mỹ "đã bị tổn thất rất nhiều" trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump và ông hoan nghênh lễ nhậm chức của ông Biden như một cơ hội để sửa chữa mối quan hệ này. Ông Michel kêu gọi "thiết lập một hiệp ước mới vì một châu Âu hùng mạnh hơn, một nước Mỹ hùng mạnh hơn và vì một thế giới tốt đẹp hơn".

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đăng dòng tweet rằng ông mong được làm việc với ông Biden nhằm “tăng cường hơn nữa” các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu, vốn sẽ cần thiết để “đối mặt với những thách thức toàn cầu vốn chúng ta không thể giải quyết một mình".

Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev kêu gọi ông Biden làm nhiều hơn nữa nhằm "bình thường hóa quan hệ" với Nga, mối quan tâm lớn hiện nay, đồng thời nói thêm rằng hai nước không thể “rào cản nhau”.   

Trong khi đó, Nga tuyên bố bất kỳ một sự cải thiện quan hệ nào giữa Nga và Mỹ đều phụ thuộc vào ông Biden.

"Nước Nga vẫn sẽ hành động như hàng trăm năm qua: tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ" - phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói, đồng thời nhấn mạnh rằng việc Mỹ có nỗ lực hướng tới mục tiêu tương tự hay không "phụ thuộc vào ông Biden và đội ngũ của ông".

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông “mong muốn được làm việc với ông Biden và với chính quyền mới của ông, tăng cường quan hệ đối tác giữa hai nước và thực hiện các ưu tiên chung như giải quyết biến đổi khí hậu, tái thiết tốt đẹp hơn sau đại dịch và củng cố an ninh xuyên Đại Tây Dương".

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết: "Hôm nay là một ngày tốt đẹp cho dân chủ. Mỹ đã phải đối mặt với những thách thức to lớn và phải chịu đựng. Bất chấp những nỗ lực muốn xé nát cấu trúc thể chế của Mỹ, các thống đốc, cơ quan tư pháp và Quốc hội, đã thể hiện được sự mạnh mẽ. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì hôm nay ông Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống và sẽ chuyển đến Nhà Trắng. Tôi biết nhiều người ở Đức có chung cảm giác này".

Thủ tướng Italia Giuseppe Conte phát biểu: "Chúng tôi rất mong đợi nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, theo đó chúng tôi sẽ bắt đầu làm việc ngay lập tức trên cương vị chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Chúng tôi có một chương trình nghị sự chung mạnh mẽ, từ chủ nghĩa đa phương hiệu quả đến biến đổi khí hậu, chuyển đổi kỹ thuật số và hòa nhập xã hội".

Tổng thống Iran Hassan Rouhani, với giọng điệu “thù địch” hơn các nhà lãnh đạo khác, nhấn mạnh “hôm nay là ngày cuối cùng trong triều đại đáng ngại của ông Trump”, đồng thời kêu gọi ông Biden dở bỏ các lệnh trừng phạt và quay trở lại thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt thời cựu Tổng thống Barack Obama mà ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm