Kinh hoàng các vụ giết người vì mê tín

Người bạch tạng ở châu Phi là mục tiêu số một của những kẻ giết người.
Người bạch tạng ở châu Phi là mục tiêu số một của những kẻ giết người.

Vụ bắt cóc Emmanuel xảy ra chỉ gần một tháng sau khi các tài xế lái xe taxi của thành phố này đổ ra đường để phản đối vụ 6 đồng nghiệp của họ bị ám sát một cách hết sức bí ẩn. 6 người này đều bị cắt mất một phần cơ thể trước khi bị vứt ở vùng ngoại ô thành phố.

Những trò “ma quỷ” vẫn còn khá phổ biến trong văn hóa châu Phi. Nhiều thế kỷ qua, các bộ phận của cơ thể vẫn được sử dụng cho những buổi “làm phép” hay để làm bùa chú. Để có được các bộ phận cơ thể, các “thầy” của thứ nghệ thuật đen tối này phải giết người lấy những bộ phận nào đó rồi sử dụng chúng một cách hết sức huyền bí.

Nhu cầu da người

Những vụ việc tương tự như vụ 6 tài xế bị giết tại Kenya, nơi nhiều người mất tích một cách bí ẩn, và chỉ tìm thấy xác với một số bộ phận bị cắt mất vài ngày sau đó phổ biến ở lục địa này đến mức người ta gọi đó là loại tội phạm thông thường ở một số quốc gia.

Theo báo cáo của Trung âm Nghiên cứu của cảnh sát Nam Phi (South African Police Service Research Centre), vẫn có quan niệm rằng những bộ phận cơ thể lấy đi từ nạn nhân khi họ còn sống sẽ khiến cho “nghi lễ” trở nên linh nghiệm hơn bởi tiếng kêu gào của họ.

Những vụ giết người “làm lễ” vẫn được báo cáo tại Mozambique, nơi các tổ chức nhân quyền cáo buộc những cái chết đó là do sự tăng nhanh số thầy mo tại tây Phi. Chính quyền cũng xác nhận rằng dù hầu hết số nội tạng buôn bán tại đất nước này là để cấy ghép, nhưng hành động lấy nội tạng cho mục đích mê tín cũng không phải là không có.

Da người có vẻ là thứ được tìm kiếm nhiều nhất bởi những kẻ giết người man rợ phục vụ cho buổi hành lễ của mình.

Đầu những năm 2000, có khá nhiều vụ giết người và lột da tại khu vực Mbeya của Tanzania và vùng ngoại ô Mwiki của Nairobi. Các cuộc điều tra của cảnh sát và giới truyền thông đã phát hiện được rằng nhu cầu về da người tại Malawi, Zambia, Mozambique, Nam Phi là khá cao, nơi mà những kẻ giết người có thể thu về từ 2.400USD đến 9.600USD cho một bộ da, tùy thuộc độ tuổi của da.

Nigeria có số người bị giết một cách bí ẩn nhiều nhất châu lục. Có lẽ đây là kết quả của việc ngành công nghiệp phim của nước này tuyên truyền quá nhiều về sự suy đồi đạo đức. Theo chính quyền Nigeria, nhiều vụ giết người được thực hiện bởi những kẻ thường được biết đến là những kẻ “săn đầu người". Chúng hành động theo mệnh lệnh của một số kẻ có ma thuật.

Để bùa chú linh nghiệm, cần một bé trai trong trắng

Trẻ em bị bắt cóc và giết hại để làm những nghi lễ mê tín ở nam Nigeria nhiều đến mức đã có hàng loạt cuộc biểu tình tại đây hồi đầu năm ngoái.

Vụ ám sát một đứa trẻ Nigeria tại London, mà cảnh sát Anh vẫn gọi là “cậu bé Adam", hồi tháng 11 năm 2001, đã khiến dư luận quốc tế quan tâm tới tình hình giết người cho những nghi lễ tôn giáo kỳ dị tại Nigeria.

Xác của “cậu bé Adam” này được tìm thấy khi đang trôi nổi trên sông Thames. Những kiểm chứng pháp y trên cơ thể cậu bé cho thấy cậu là người Yoruba Plateau, Nigeria và cái chết là một dạng của việc giết người “làm lễ” tại tây và nam Phi.

Mặc dù vụ giết người này diễn ra chỉ 10 ngày sau vụ tấn công 11/9 vào Mỹ, nhưng nó vẫn nhận được sự quan tâm rất lớn từ báo giới, đến mức cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela và ngôi sao bóng đá Nwanko Kanu cũng tham gia ủng hộ việc tìm kiếm manh mối để bắt giữ kẻ sát hại cậu bé Adam.

Ngay sau đó, 22 người tây Phi bị bắt giữ tại Anh, còn cảnh sát hoàng gia Nigeria vẫn tiếp tục tìm kiếm mẹ đứa bé, nhưng cho tới nay vẫn không thành.

Một báo cáo bí mật khi đó của cảnh sát cũng khẳng định nhiều trẻ em châu Phi đang bị buôn bán sang Anh và được sử dụng trong những lần hiến lễ. Báo cáo cũng cho hay “để bùa chú trở nên linh nghiệm, cần phải hiến tế một bé trai còn trong trắng".

Giết người để kiếm tìm sự giàu có

Thất nghiệp, nghèo đói, thiếu lương thực, tiền bạc là một vài trong những lý do khiến nạn hiến người tại Uganda gia tăng. Tần suất diễn ra những vụ giết người ngày càng cao, đặc biệt là ở một số khu vực đói kém ở miền bắc và đông nước này.

Riêng năm 2008 có hơn 300 vụ giết người liên quan đến những nghi lễ tôn giáo được báo cho cảnh sát, những chỉ 18 trong số đó được tòa xét xử. Tình hình còn trở nên tồi tệ hơn khi có nhiều vụ, kẻ bị tình nghi nhất lại chính là bố mẹ và người thân của những nạn nhân trẻ em này.

“Kinh nghiệm làm việc với những nạn nhân cho tôi biết, những kẻ tiến hành giết người trong trường hợp như thế này thường là những người nghèo và muốn giàu có nhanh chóng. Ở những vùng nông thôn, người ta thậm chí còn hiến tế chính con mình. Còn ở vùng đô thị thì những người giàu và được giáo dục sẽ tìm kiếm con của người khác", Elena Lomeli, một tình nguyện viên tại tổ chức từ thiện Anh VSO nói.

Tình hình tồi tệ đến mức tháng 1/2009, Chính phủ Uganda đã phải thành lập một đội cảnh sát đặc biệt chống hiến người và tuyên bố rằng 2.000 nhân viên sẽ được đào tạo đặc biệt để đối phó với nạn buôn bán trẻ em.

Được tin là có những sức mạnh thần bí có thể khiến người ta giàu có trong giây lát, những bộ phận trên cơ thể người bạch tạng trở thành một thứ hàng nóng cho những trò ma quỷ, yêu thuật tại đất nước này.

Theo ngôn ngữ Kiswahili (một ngôn ngữ khá phổ biến ở vùng duyên hải Ấn Độ Dương), bạch tạng nghĩa là sự xúc phạm đến Chúa Trời. Do đó, những người mang căn bệnh này thường bị gia đình ghét bỏ và trở nên không được an toàn ngay tại chính nơi ở của mình.

Một người đàn ông 35 tuổi ở vùng hồ Tanganyika bị buộc tội bán người vợ 24 tuổi của mình cho một “nhà buôn” người Công-gô với giá 2.000USD. Trong khi đó, một bà mẹ khác cũng bị cáo buộc đã bán cô con gái mắc bệnh bạch tạng cho một nhóm người, mà sau đó, bọn chúng đã giết cô bé và lấy máu uống.

Nguy hiểm rình rập người bạch tạng

“Họ cắt cơ thể chúng tôi ra như những con gà. Nỗi lo sợ lớn nhất của chúng tôi bây giờ là nỗi sợ phải sống. Nếu bạn là một người bạch tạng đi làm về muộn lúc đêm khuya rất có thể bạn sẽ không về được đến nhà toàn thây. Khi bạn ngủ, bạn tỉnh dậy, cũng không chắc cơ thể bạn còn nguyên vẹn. Trên những con phố này, bạn có thể nghe rõ những kẻ đang lên kế hoạch tóm lấy bạn", Zihada Msembo, Chủ tịch Hội Người bạch tạng tại Tanzanian than vãn.

Vụ cô bé 13 tuổi Elizabeth Hussein tại Shinyanga là một minh chứng cho số phận hẩm hiu của những người bạch tạng tại Tanzania.

Sau khi đi xem một bộ phim về Chúa Giêsu tại trung tâm ngôi làng, trên đường trở về, cô bé đã bị theo dõi và bắt cóc rồi chặt thành nhiều mảnh bởi một đám đông cầm dao rựa.

Các quan chức Tanzania cho hay, 35 người bạch tạng đã bị ám sát năm 2008, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, nhưng những người đứng đầu cộng đồng người bạch tạng Tanzania tin rằng số người bị chết có thể còn cao hơn. Tình hình còn tồi tệ ở một số khu vực đến mức trẻ em với căn bệnh bẩm sinh này phải được hộ tống khi đến trường và sau tan học bởi nhân viên an ninh của chính phủ và của cộng đồng.

Ngay cả khi chết rồi họ cũng không được yên thân. Người ta vẫn phải đặt những hòn đá nặng lên phần mộ của họ để những kẻ đào mộ trộm không thể đào bới.

Sự gia tăng hoạt động khai mỏ và đánh cá tại vùng hồ Victoria ở Mwanza, Shinyanga và khu vực Mara đã dẫn tới “nhu cầu” tăng đột biến về các bộ phận trên cơ thể của người bạch tạng. Bên cạnh đó, ba khu vực này nổi tiếng với những trò mê tín bởi thợ khai mỏ và ngư dân vẫn tin rằng các bộ phận trên cơ thể người bạch tạng có thể khiến họ thành công nhanh chóng.

Đơn cử, ngư dân tại những khu vực này vẫn có quan niệm đáng ghê sợ rằng nếu họ đan những sợi tóc đỏ của người bạch tạng vào lưới của họ, cá sẽ bị hấp dẫn bởi những ánh sáng lờ mờ và thần bí phát ra từ đó. Mặc dù sự nghèo đói và thiếu được quan tâm là những nguyên nhân chính dẫn đến những hành động man rợ, nhưng phim ảnh tại Nigeria cũng là một phần của vấn đề đáng buồn này tại đây.

Các báo cáo cũng chỉ ra rằng một số bộ phận trên cơ thể của người bạch tạng tại Tanzania đang được xuất khẩu sang những nước láng giềng, nơi những “thương gia” có thể thu về mức giá cao hơn. Trong một vụ việc năm ngoái, kẻ buôn người Tanzania đã bị chặn lại trên đường tới Cộng hòa Dân chủ Công-gô khi trong hành lý của tên này có chiếc đầu của một đứa bé bị bạch tạng. Khi bị thẩm vấn, tên này thừa nhận có người sẵn sàng trả tiền cho hắn theo cân nặng của chiếc đầu. Tại châu Âu và bắc Mỹ, cứ 20.000 người mới có một người bị bạch tạng, còn ở Tanzania, con số này gấp 5 lần, tức là cứ khoảng 4.000 người thì có 1 người bị căn bệnh này.

Mặc dù nhiều nguồn tin cho rằng ở đất nước này số người bạch tạng là khoảng 300.000 người, nhưng theo Tổ chức Thương mại Thế giới, con số này có thể không vượt quá 170.000.

Hàng loạt những vụ giết người xảy ra đã khiến nhiều người bạch tạng phải tìm đường trú ẩn ở vùng đảo Ukerewe xa xôi bên bờ hồ Victoria, nơi những kẻ giết người ít hoạt động. Bạch tạng là một bệnh di truyền do thiếu sắc tố. Nhưng lại có nhiều người tại vùng hồ tin rằng một khoáng chất của cá ở vùng hồ đã gây nên mức độ bệnh bạch tạng cao.

Một ngày tháng 10/2008, những người bạch tạng đã tiến hành cuộc biểu tình tại thành phố Dar es Salaam và được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, cũng buổi tối hôm đó, một trong số những người biểu tình đã bị những kẻ giết người man rợ theo dõi và tấn công rồi chặt mất tay, rồi bỏ lại cô gái cho đến chết.

Trong những buổi diễn thuyết hàng tháng trên truyền hình của mình, Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete thường đề cập nhiều đến vấn đề này và kêu gọi người dân Tanzania hãy từ bỏ những quan niệm mê tín rằng có thể làm giàu nhanh chóng trong chốc lát. Ngày 4/5 là ngày người bạch tạng toàn quốc tại Tanzania và đã thu hút rất nhiều đại diện những người bạch tạng từ Ghana, Kenya, Malawi, Senegal, Nam Phi và Anh tham gia. Hy vọng những nỗ lực từ phía chính phủ, và cộng đồng sẽ khiến cho người dân châu Phi nói riêng và trên toàn thế giới nói chung sẽ có nhận thức đúng đắn hơn về căn bệnh này.

Theo Đình Ngân (VNN/ Daily Nation)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm