Ngày hội nấu bánh chưng mừng năm mới tại Mỹ

Tại một cánh đồng ở thành phố Los Angles, thuộc bang California (Mỹ), đầu bếp Diep Tran gấp từng chiếc lá chuối như gấp giấy, miết từ ngón tay dọc theo các nếp gấp. Khi cô cho một ít thịt heo và gạo vào, rất nhiều phụ nữ cúi xuống, quan sát từng động tác của cô. “Đừng cho nhiều quá nhé!”, cô Tran nói. “Đừng quên, vì gạo sẽ nở ra khi nấu mà!”.

Để chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên đán vào ngày 5-2 tới, cô Tran đã tập hợp gần 100 phụ nữ cùng nhau nấu bánh chưng với gạo nếp, mang những chiếc bánh chưng về nhà, chia sẻ với gia đình và bạn bè.

Nói với phóng viên báo The New York Times, cô Tran cho biết thường thì mọi người hay mua bánh chưng ở cửa hàng, còn nếu trước đó chưa làm qua, thì đây là một thử thách cho nhiều người.

Đầu bếp Diep Tran (ở giữa, đeo kính) đang hướng dẫn mọi người dùng lá chuối và khuôn để gói bánh chưng.  Ảnh: NYT

Cô Tran đã tổ chức sự kiện đón mừng Tết Nguyên đán từ nhiều năm nay, chủ yếu là gói bánh chưng, và làm tại nhà của những nhóm bạn người Mỹ gốc Việt. Tờ The New York Times dẫn lời cô Tran bày tỏ: “Tết có thể là một không gian, một điều khác biệt ở Mỹ, và nó cũng cần được duy trì. Tôi muốn chia sẻ Tết đến những người phụ nữ tiến bộ cũng nhiều người ở các sắc tộc khác”.

Năm nay, sự kiện này lớn đến độ mà cô Tran phải bán vé và chuẩn bị đến gần chục cái nồi áp suất để nấu bánh tại một cánh đồng ở nông trại phi lợi nhuận Alma Backyard Farms tại khu vực West Compton.

Bánh chưng truyền thống được biết đến với kích thước gần bằng một cái bánh sinh nhật và phải nấu qua đêm. Chúng được gói và cột với những dây ruy-băng như là những món quà nhỏ trong dịp Tết, tờ The New York Times giải thích. Tuy nhiên, bánh chưng phiên bản của cô Tran thì nhỏ như hộp quà – vừa cỡ lòng bàn tay – và chỉ cần nấu trong vòng 45 phút.

Một góc sự kiện gói bánh chưng tại một cánh đồng, thuộc nông trại Alma Backyard Farms. Ảnh: NYT

Sau khi quan sát cô Tran hướng dẫn, từng nhóm người đã thực hiện làm chiếc bánh của mình. Họ vừa phải chuyền những cái kéo qua lại vài lần, vừa giúp đỡ cùng thực hiện các bước không hề đơn giản, như là giữ các mép để gạo không tràn ra ngoài.

Trước lúc sự kiện này diễn ra, cô Tran hình dung mọi việc “chắc sẽ trở nên lộn xộn lắm” khi nghĩ đến một số lượng lớn người cùng gói bánh chưng. Nhưng cô đã thật may mắn khi được nhiều người bạn giúp đỡ. Một chủ tiệm bánh mì, tên Na Young Ma, đã cho cô Tran dùng căn bếp, nhà kho lớn của mình trong nhiều giờ liền. 

Những người phụ nữ thuộc các thế hệ khác nhau cùng tham gia sự kiện. Ảnh: NYT

Vào ngày 26-1 vừa qua, sự kiện diễn ra khi bàn ghế được sắp đặt sẵn cùng với những cái khuôn kim loại để gói bánh, lá chuối và các hộp đựng các nguyên liệu khác. Evam Kleiman, một người dẫn chương trình radio, thì nấu cháo cho buỗi trưa; nhà hoạt động vì công bằng xã hội Alice Y thì mang theo những cành cây quất mới cắt, hay một nhà văn tên Monique Truong thì cắt cành cây trang trí bàn.

“Sự kiện này giống như một tamalda”, cô Hong Pham, một người tham dự cho biết. Tamalada là một bữa tiệc của người Trung Mỹ xưa, ở đó họ cùng tập hợp lại và làm bánh tamales – một loại bánh ngô Mexico cũng được nấu và hấp với lá chuối.

Nhiều người tham dự sự kiện này đều có gốc gác Việt Nam, còn lại là từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Chỉ một vài người trong số họ có kinh nghiệm gói bánh chưng. Họ nói chuyện khi cùng gói bánh với mẹ, chị hay con em mình, cùng giới thiệu và chia sẻ cho nhau những câu chuyện của họ.

Những chiếc bánh chưng được gói nhỏ vuông vức như những phần quà cho năm mới. Ảnh: NYT

Tờ The New York Timeskể câu chuyện của cô Ta Cuc Nguyen, một người tham dự. Cô đến Mỹ từ những năm 70 của thế kỷ trước. Cô nhớ hồi trước có gói bánh chưng ở Lancaster, bang Pennsylvania mà không thể nào tìm ra lá dong, lá chuối hay những thay thế khác. Cô đành phải gói bánh chưng với bọc nhựa sơn màu xanh lá.

Còn đầu bếp Diep Tran thì đến Mỹ năm 1978 lúc nhỏ và sống tại Los Angeles. Gia đình cô là chủ sở hữu một nhà hàng tại Los Angles. Bản thân cô còn được biết đến là chủ một nhà hàng Good Girl Dinette ở Highland Park.

Và khi bánh chưng chín, cô Tran phát bánh cho mọi người, nói lời cảm ơn và không quên nhấn mạnh đến mục đích sự kiện thường niên “bánh chưng tập thể” là tạo ra sân không gian Tết Nguyên đán, gắn kết phụ nữ với những người khác sắc tộc và người đồng giới. Sau một ngày, họ đã nấu xong hơn 400 chiếc bánh chưng.

Nhà văn Truong, như nhiều người khác trong nhóm của mình, cho The New York Times biết là chưa từng nấu bánh chưng bao giờ. Cô nói sẽ ăn bánh và mang một phần về nhà ở Houston. Trong Tết, cô dự định sẽ bóc, cắt bánh và chiên với một ít tỏi cho vàng giòn hai mặt.

“Công việc mà cô Diep Tran làm rất ý nghĩa”, cô Truong nói và hướng về những người tham dự. “Các bạn cùng đến, cùng làm một thứ gì đó, sau đó mang về và cùng chia sẻ nhau chia sẻ”. 

Chuyện chiếc bánh chưng ở Mỹ
Chuyện chiếc bánh chưng ở Mỹ
Người Việt đón Tết Nguyên đán phải có bánh chưng, nhưng với một nhịp sống gấp gáp như ở Mỹ, gói bánh quả là xa xỉ về thời gian, và vì thế mua bánh ngoài hàng trở thành tất yếu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm