Khủng hoảng Venezuela khơi mào Chiến tranh lạnh mới?

Tờ The New York Times đưa tin ngày 2-5, lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido đã kêu gọi công nhân cả nước bắt đầu đình công nhằm gây sức ép buộc Tổng thống Nicolas Maduro từ nhiệm. Một ngày sau cuộc đảo chính thất bại của phe đối lập, khủng hoảng chính trị đất nước này một lần nữa leo thang và rơi vào bế tắc khi hàng loạt cuộc biểu tình bạo lực xảy ra trong ngày Quốc tế Lao động.

Trong khi đó, chính xung đột nội tại của chính quyền Caracas làm gia tăng căng thẳng giữa hai cường quốc Đông-Tây là Nga và Mỹ. Đây là một trong những điểm nóng mới nhất đe dọa sự trở lại những năm căng thẳng của Chiến tranh lạnh, theo tờ Politico.

Chiến dịch tự do và “tinh thần thép”

Một vài báo cáo cho hay các lực lượng ủng hộ chính phủ đã sử dụng hỏa lực tấn công người biểu tình phe đối lập ở Altamira. Một phụ nữ 27 tuổi đã chết vì vết thương do đạn bắn vào đầu trong khi tham gia biểu tình ở khu vực này, theo các nhóm nhân quyền địa phương. Cơ quan y tế vùng Chacao cũng cho biết 39 người biểu tình đã bị thương vào ngày 1-5.

Hàng ngàn người ủng hộ ông Guaido từ nhiều nơi trên đất nước tiếp tục xuống đường biểu tình, đáp lại lời kêu gọi lật đổ chính quyền sau thất bại ngày 30-4. Biểu tình diễn ra trên tất cả bang của Venezuela cũng như ở thủ đô Caracas, truyền thông địa phương cho hay.

Đây không phải là “cuộc diễu hành lớn nhất” trong lịch sử đất nước như ông Guaido mong đợi. Tuy nhiên, chính việc nhận được sự ủng hộ liên tục của một bộ phận người dân và cố gắng chiêu mộ quân đội của ông Guaido cho thấy nhiều vấn đề nội tại cần giải quyết nếu Tổng thống Maduro muốn tiếp tục nắm quyền. Theo tờ The New York Times, cuộc biểu tình ngày 1-5 là một “phép thử” dành cho ông Maduro trong bối cảnh nền kinh tế đất nước suy yếu và tình trạng thiếu lương thực, dịch vụ chăm sóc y tế. Ước tính của Liên Hiệp Quốc cho thấy có khoảng ba triệu người đã rời khỏi Venezuela kể từ năm 2015. Đây là con số tương đương với lượng người di cư từ các quốc gia bị chiến tranh tàn phá như Syria và Afghanistan.

Trong khi đó, một phần lớn dân chúng với đa số là những người thuộc tầng lớp lao động cũng tập hợp diễu hành ủng hộ Tổng thống Maduro, theo đài CNN. Trên khắp các thị trấn trung tâm Caracas, trong trang phục màu đỏ, họ diễu hành dọc các đường cao tốc chính dẫn về dinh tổng thống. Đây là một trong những cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ lớn nhất ở Venezuela trong nhiều tháng qua.

Trước những nỗ lực của phe đối lập, ông Maduro vẫn tuyên bố sẽ không lùi bước. “Chúng tôi đã phải vượt qua bao nhiêu điều bất ngờ và bây giờ chúng tôi sẽ đương đầu với điều này bằng tinh thần thép” - ông Maduro phát biểu trên truyền hình địa phương.

Bạo lực xảy ra trong cuộc biểu tình ở Caracas. Ảnh: GETTY IMAGES

Bắt đầu một cuộc Chiến tranh lạnh khác?

Theo tờ Politico, chính quyền Washington đang rơi vào một cuộc chiến với Nga xoay quanh khủng hoảng chính trị ở Venezuela. Tờ The Washington Post cho biết vào ngày 1-5, Nhà Trắng đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với các trợ lý an ninh quốc gia bàn về những bước tiếp theo liên quan vấn đề của đất nước Nam Mỹ này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Washington vẫn muốn một giải pháp hòa bình nhưng không loại trừ hành động quân sự nếu cần thiết, đài Fox Business Network cho hay.

Khi được hỏi liệu quân đội Mỹ sẽ được sử dụng để bảo vệ ông Guaido, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã trả lời đài MSNBC rằng Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố rõ ràng về điểm này: Tất cả lựa chọn đều có thể xảy ra. “Chúng tôi muốn một sự chuyển giao quyền lực trong hòa bình” - ông Bolton phát biểu. Tướng Joseph F. Dunford Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cũng cho biết cho đến nay hầu hết hành động của Washington là ngoại giao và kinh tế.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Pompeo còn cáo buộc Nga đã thuyết phục ông Maduro ở lại Venezuela thay vì rời đất nước sang Cuba. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ và cho rằng thông tin giả này là một phần cuộc chiến thông tin của Washington. Bất đồng giữa hai bên dâng cao trong cuộc trao đổi qua điện thoại vào ngày 1-5. Ông Pompeo muốn “trừng phạt” Nga vì những hành động “gây bất ổn” của điện Kremlin, trong khi ngoại trưởng Nga lên án Mỹ đã “vi phạm luật pháp quốc tế”, theo tờ Politico.

Bất kỳ kết luận nào cho rằng tình hình ở Venezuela sẽ trở nên ổn định và “bình thường” là hoàn toàn sai. Tình hình ở đất nước Nam Mỹ này luôn bất ổn.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ JOHN BOLTON 

Cuộc đối đầu giữa Moscow và Washington gia tăng khi Tổng thống Trump đang chạy đua vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm 2020, đặc biệt khi mọi chú ý đang đổ dồn vào cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ hồi năm 2016. Các nhà phân tích nói rằng Nga và Mỹ đang kiểm tra mức độ cam kết của cả hai với vùng đất giàu dầu mỏ Venezuela. Trong khi Nga được cho là sẵn sàng đưa quân tới nước ngoài thì Mỹ hạn chế trong vai trò cung cấp quân sự.

Mỹ và Nga đã xảy ra bất hòa ở một số điểm nóng khác trên thế giới, theo tờ Politico. Tại Syria, Mỹ có quân đội chiến đấu với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng trong khi các lực lượng Nga đang ở đó hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Nhưng hai nước luôn tránh xung đột quân sự trực tiếp trong khu vực.

Tại Ukraine, Mỹ được cho là phản đối lực lượng do Nga hậu thuẫn ở khu vực phía Đông. Năm năm chiến tranh giữa quân đội Ukraine và các lực lượng miền Đông đã khiến 13.000 người nơi đây thiệt mạng mặc dù lệnh ngừng bắn đã được ký kết vào năm 2015, theo hãng tin Reuters. Tuy nhiên, Nga đã liên tục bác bỏ các cáo buộc của phương Tây và Ukraine rằng họ đã đưa quân và vũ khí hạng nặng để chiến đấu chống các lực lượng Ukraine trong khu vực.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi các bên kiềm chế

Văn phòng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) cho biết họ rất lo lắng về khả năng lực lượng quân đội quá đông sẽ chống lại các cuộc biểu tình ôn hòa. Phát ngôn viên Marta Hurtado cho biết Liên Hiệp Quốc kêu gọi tất cả bên thể hiện sự kiềm chế tối đa và cảnh báo việc kích động bạo lực.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro phát biểu ngày 1-5 rằng Brazil sẽ không can thiệp vào tình hình của Venezuela. Ông Bolsonaro cũng cho biết 25 thành viên của quân đội đã yêu cầu tị nạn tại Đại sứ quán Brazil ở Caracas ngày 30-4 đã không thể vào tòa nhà.

Syria mô tả “nỗ lực đảo chính thất bại” ngày 30-4 là một “đòn đánh mạnh” đối với chính quyền ông Trump. Đồng thời, ngoại trưởng Syria đã lên án cuộc nổi dậy và nhắc lại sự ủng hộ của Damascus dành cho chính phủ và người dân Venezuela. 

____________________________

(*) Tác giả là nhà báo đang làm việc tại đài truyền hình địa phương ở nước Cộng hòa Moldova.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm