Khủng hoảng tài chính ở Mỹ: VN không bị ảnh hưởng trực tiếp

Nhận định về cuộc khủng hoảng tài chính sau sự kiện Tập đoàn Tài chính Lehman Brothers của Mỹ tuyên bố phá sản, ông Bùi Kiến Thành - cố vấn tài chính cao cấp của Tập đoàn Tài chính Mỹ AIG cho biết: Không ít các ngân hàng lớn ở Mỹ, Đức, Anh đang thiếu thanh khoản bởi các tài sản phái sinh mà các ngân hàng có trong tay đã gây thiệt hại rất nhiều.

Ngân hàng cứ việc cho vay đầu tư bất động sản trong khi giá ngày càng tăng và vốn đổ vào ngày càng nhiều. Hiện nay có một khối hợp đồng cho vay bất động sản cực kỳ lớn hàng ngàn tỷ USD mà không đòi được. Ngân hàng trung ương các nước đang tiếp sức cho thị trường tài chính nhưng tiếp vốn đến lúc nào vì hiện chưa thấy đáy.

Đối với Việt Nam, ông Bùi Kiến Thành nhận định: Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều nhưng không phải là vấn đề sống còn như một số nước khác.

Theo ông, nguyên nhân Việt Nam không bị ảnh hưởng trực tiếp vì thị trường tài chính Việt Nam còn quá mới mẻ, chưa vào cuộc chơi của các đại gia, chưa mua trái phiếu phái sinh và các hợp đồng cho vay cầm cố như Mỹ.

. Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bị tác động thế nào?

+ Đầu tiên, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể chững lại, thậm chí vốn đã cam kết sẽ thực hiện trễ hơn bởi khoảng 80% vốn đầu tư vào Việt Nam là đi vay. Khi không đi vay được thì nhà đầu tư sẽ khó giải ngân vào Việt Nam.

Thị trường chứng khoán Việt Nam chưa gia nhập vào hệ thống thị trường chứng khoán thế giới nên ảnh hưởng rất nhỏ. Lo ngại là phần lớn nhà đầu tư nước ngoài mua trái phiếu, cổ phần trên thị trường Việt Nam sẽ rút vốn về khi nguồn vốn của họ bị co lại. Khi đó, một lượng không nhỏ đồng đôla sẽ ra khỏi Việt Nam.

Dù vốn của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không nhiều, chỉ khoảng 20% tổng vốn, nhưng nếu họ rút ồ ạt thì sẽ ảnh hưởng ngay đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nếu các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu bán ra thì các cơ quan chức năng của chúng ta nên nghiên cứu vấn đề này. Do vậy, thời gian tới Ủy ban Chứng khoán, Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính cần phải họp bàn xem các tổ chức nào phải rút vốn ở thị trường Việt Nam và cần phải dự báo các tổ chức đó bán cổ phần, cổ phiếu của Việt Nam đến mức nào, ảnh hưởng ra sao đến dự trữ ngoại hối; cũng cần phải cảnh báo với thị trường và các nhà đầu tư trong nước để tránh hoảng loạn trên thị trường.

. Còn với hệ thống ngân hàng và xuất khẩu của Việt Nam thì sao, thưa ông?

+ Tác động của cơn địa chấn tài chính ở Mỹ và các nước khác sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng Việt Nam khá lớn chứ không nhỏ, nhất là trong xuất khẩu. Tuy nhiên, mức ảnh hưởng không phải là vấn đề sống còn mà là chúng ta sẽ chịu đòn tới đâu.

Trong xuất khẩu, nếu kinh tế Mỹ, Nhật, Đức... gặp khó khăn thì khả năng nhập khẩu hàng hóa từ các nước khác, trong đó có Việt Nam sẽ chững lại.

Theo tôi, để giảm khó khăn, Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp nâng đỡ các nhà xuất khẩu Việt Nam tạo được lợi thế của mình so với các thị trường xuất khẩu khác, ví dụ như hỗ trợ tín dụng. Các nhà xuất khẩu có thể tiếp cận với lãi suất thế nào để vẫn có vốn tiếp tục sản xuất, kinh doanh nhưng không gây lạm phát.

Chính phủ cần phải xem xét lĩnh vực nào có thể giảm được thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy. Ngoài ra, Việt Nam nên nhanh chóng hướng về thị trường nội địa khi thị trường nước ngoài đang bị co lại.

Thị trường chứng khoán gượng dậy

Tại Mỹ, tối 16-9, Cục Dự trữ liên bang đã đồng ý cho Tập đoàn Bảo hiểm AIG vay khẩn cấp 85 tỷ USD trong hai năm nhằm cứu khỏi nguy cơ phá sản. Đổi lại, Cục Dự trữ liên bang sẽ tiếp quản 79,9% cổ phần trong AIG. Chính phủ phải ra tay ứng cứu vì các công ty đầu tư dự tính lập quỹ cho vay giải cứu AIG trị giá 75 tỷ USD nhưng không thành.

Ngay sau khi có tin Cục Dự trữ liên bang cho Tập đoàn AIG vay tiền, chỉ số Dow Jones ở Mỹ đã tăng 1,3%. Ở châu Á, thị trường chứng khoán đã gượng dậy trở lại. Chỉ số Nikkei ở Nhật tăng 1,21%, thị trường chứng khoán ở Hàn Quốc tăng 2,7%, ở Phillippines tăng 1,5%.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán ở một số nước tiếp tục giảm điểm như chỉ số Hang Seng (Hong Kong) giảm 1,85%, thị trường chứng khoán ở Sydney (Úc) giảm 0,68%, ở Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 2,33%.

LÊ LINH

LÊ THANH - LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm