Khối Ả Rập chống Nhà nước Hồi giáo

Ngày 11-9, hội nghị Ả Rập-Mỹ nhằm xây dựng liên minh quốc tế chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo diễn ra tại Jeddah (Saudi Arabia).

Thông tấn xã SPA (Saudi Arabia) đưa tin tham dự hội nghị có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, 10 nước Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ. Hội nghị do Ngoại trưởng nước chủ nhà Saud al-Faisal chủ trì. Hội nghị đã thảo luận về vấn đề khủng bố và các tổ chức cực đoan trong khu vực cũng như các biện pháp ngăn chặn.

AFP dẫn nguồn tin từ quan chức Mỹ cho biết tại hội nghị, Ngoại trưởng John Kerry đã bàn đến vấn đề hợp tác quân sự.

Mỹ mong muốn củng cố các căn cứ quân sự trong khu vực và tăng cường các chuyến bay thám sát. Dự kiến  bộ trưởng Quốc phòng các nước có liên quan sẽ gặp nhau để thảo luận về vấn đề này. Báo The New York Times (Mỹ) dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Saudi Arabia đã đồng ý cung cấp căn cứ để huấn luyện quân nổi dậy ôn hòa ở Syria nhằm chống lại Nhà nước Hồi giáo.

Ngoại trưởng John Kerry gặp người đồng cấp Saudi Arabia Saud al-Faisal tại Jeddah ngày 11-9. Ảnh: SPA

Hôm trước đó, tại Jordan, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng John Kerry ở Amman, Quốc vương Abdullah II đã cam kết ủng hộ nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố.

Tại Mỹ, tối 10-9, tức trước ngày kỷ niệm 13 năm nước Mỹ bị tấn công khủng bố (11-9-2001), trong bài phát biểu được truyền hình từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã long trọng công bố chiến lược tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo.

Trang web của Nhà Trắng cho biết chiến lược gồm bốn phần:

Mỹ sẽ không kích có hệ thống Nhà nước Hồi giáo. Mỹ không ngần ngại tấn công Nhà nước Hồi giáo ở Iraq lẫn Syria.

Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ cho các lực lượng chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo. Mỹ sẽ đưa thêm 475 cố vấn quân sự đến Iraq để huấn luyện cho quân đội Iraq và lực lượng vũ trang người Kurd. Mỹ sẽ hỗ trợ Iraq thành lập lực lượng vệ binh quốc gia. Tại Syria, Mỹ sẽ củng cố sức mạnh cho phe đối lập.

 Mỹ sẽ làm việc với các nước đối tác để cắt đứt nguồn tài chính hỗ trợ cho Nhà nước Hồi giáo, cải thiện thông tin tình báo, ngăn chặn tư tưởng lệch lạc của Nhà nước Hồi giáo và các tay súng nước ngoài ra vào Trung Đông.

Mỹ tiếp tục viện trợ nhân đạo cho người dân mất nhà cửa do Nhà nước Hồi giáo.

Tổng thống Obama cho biết trong mỗi phần của chiến lược, Mỹ sẽ phối hợp với một liên minh rộng lớn gồm nhiều nước châu Âu và các nước Ả Rập.

AP đưa tin Chủ tịch Hạ viện John Boehner (đảng Cộng hòa) cho biết Tổng thống Obama ghi nhận mối đe dọa nghiêm trọng từ Nhà nước Hồi giáo quá trễ và vẫn còn nhiều nghi ngờ trong kế hoạch hành động sắp tới của ông Obama.

Ông lưu ý đề xuất của ông Obama về huấn luyện và trang bị cho Iraq sẽ khó đạt được hiệu quả nhanh chóng trong khi cần phải chặn đứng ngay Nhà nước Hồi giáo.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Roger nhận định chiến lược của Tổng thống Obama là bước đi đúng đắn nhưng thành công phụ thuộc vào các biện pháp thực hiện.

Đài truyền hình Fox News (Mỹ) dẫn lời chuyên gia Kathleen Troia McFarland, nguyên Phó Trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nhận định chiến lược của Tổng thống Obama có hai thiếu sót. Đó là không đề cập đến kế hoạch phòng thủ tại Mỹ đối với Nhà nước Hồi giáo và không có phương án B nếu phương án A thất bại.

Bà cho rằng dường như ông Obama đưa ra một chiến lược miễn cưỡng và hy vọng thực hiện chiến lược với mức sử dụng vũ lực tối thiểu nhằm giảm thiểu rủi ro chính trị. Bà không tin chiến lược này sẽ thành công. Bà khẳng định có thể xem chiến lược này như cuộc chiến thứ ba của Mỹ tại Iraq.

LÊ LINH - TNL

Các nước nào tham gia liên minh quốc tế?

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo có hơn 40 nước tham gia liên minh chống Nhà nước Hồi giáo. Báo Le Monde (Pháp) cho biết trong số này có 25 nước đồng ý nêu danh, số còn lại ngấm ngầm hỗ trợ về ngoại giao, tình báo, viện trợ quân sự, ngăn chặn tuyển mộ và tài chính.

Ủng hộ về quân sự: Máy bay Mỹ đã không kích ở Iraq từ ngày 8-8, đồng thời triển khai hơn 800 cố vấn và binh sĩ đến Iraq. Canada đã triển khai vài chục cố vấn. Pháp cung cấp vũ khí. Anh và Úc ngoài giao vũ khí còn tham gia huấn luyện. Ngoài ra Đức, Ý, Đan Mạch, Ba Lan, Albania, Estonia đã cam kết cung cấp vũ khí.

Ủng hộ tài chính và nhân đạo: Các nước ủng hộ tài chính gồm Saudi Arabia, Kuwait, Ý, Tây Ban Nha, Ireland, Luxembourg, Thụy Sĩ, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Úc, New Zealand, Hungary, Hàn Quốc, Nhật. Ngoài ra Úc, Anh, Canada, Pháp, Na Uy, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ còn gửi hàng cứu trợ. Philippines tuyên bố sẵn sàng tham gia liên minh.

Ủng hộ về chính trị và hậu cần: Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất hỗ trợ về chính trị và hậu cần. Bahrain là nơi hạm đội 5 của Mỹ đóng quân. Kuwait sẽ tạo điều kiện cho quân đội Mỹ. Liên đoàn Ả Rập cam kết hỗ trợ về chính trị, an ninh và tư tưởng nhưng ít có nước nào nêu cụ thể. Chỉ có Ai Cập tuyên bố sẽ hỗ trợ về an ninh dưới sự chỉ đạo của LHQ.

Riêng Iran hỗ trợ vũ khí và huấn luyện cho người Kurd ở Iraq nhưng không phối hợp với Mỹ.

H.DUY 

11 nước tham dự hội nghị ở Jeddah (Saudi Arabia) gồm sáu nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Kuwait, Oman và Qatar), Ai Cập, Jordan, Iraq, Lebanon cùng với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Mỹ đã tuyên bố khả năng không kích Nhà nước Hồi giáo ở Syria mà không qua sự đồng ý của chính phủ hợp pháp Syria. Sáng kiến này không được Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí thì đó là hành động xâm lược, vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế.

BỘ NGOẠI GIAO NGA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm