Khả năng Hezbollah bị đẩy khỏi khu vực, Trung Đông sẽ thế nào?

Nhóm vũ trang Hezbollah đang hứng hàng loạt động thái nội công ngoại kích từ sau vụ nổ cảng Beirut (Lebanon). Bên trong Lebanon, Hezbollah bị yêu cầu phải chịu trách nhiệm về vụ nổ. Bên ngoài, ngày càng thêm nhiều nước cân nhắc liệt nhóm này vào danh sách khủng bố.

Khả năng nhiều nước trong cộng đồng quốc tế sẽ thống nhất buộc Hezbollah rút hiện diện khỏi khu vực (như rút lực lượng khỏi Syria), chỉ được hoạt động trong nội bộ Lebanon. Nếu điều này xảy ra, Hezbollah sẽ tập trung tăng vai trò chính trị của mình ở Lebanon. Viễn cảnh này không những sẽ tạo thêm khủng hoảng cho đất nước vốn có lịch sử bất ổn về chính trị giáo phái này mà còn cho cả Trung Đông.

Ghế Hezbollah ngày càng nóng

Đã ba tuần trôi qua nhưng các đồn đoán về sự liên quan của Hezbollah đến vụ nổ kinh hoàng ngày 4-8 không những không dịu đi mà còn nhiều thêm.

Cảng Beirut bị phá hủy sau vụ nổ kinh hoàng ngày 4-8 làm hơn 200 người chết, hơn 6.000 người bị thương. Ảnh: REUTERS

Dù nhà chức trách Lebanon nói đây là vụ nổ kho 2.750 tấn ammonium nitrate ở cảng Beirut nhưng nhiều người vẫn cho rằng đây là đòn không kích của Israel nhắm vào kho vũ khí của Hezbollah.

Theo nhà phân tích chính trị Asad Bishara, một lượng lớn người Lebanon quy trách nhiệm cho Hezbollah trong vụ nổ, khi đã không chú ý đúng mức đến an ninh và an toàn của người dân. Nhiều người khác cho rằng Hezbollah cố ý giữ số hóa chất này tại nhà kho để sau đó sử dụng chúng đối phó Israel. Ý kiến khác lại nối kết vụ nổ với các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm hạn chế vai trò của Hezbollah ở Lebanon và ở khu vực.

Vì sự tức giận của dân chúng, chính phủ Lebanon (nhậm chức từ tháng 1 với sự ủng hộ của Hezbollah) đã từ chức và hiện đang nắm vai trò là chính phủ lâm thời tới khi có chính phủ mới thay thế.

Biểu tình chống chính phủ tại Beirut ngày 11-8, sau vụ nổ kinh hoàng ngày 4-8 làm hơn 200 người chết, hơn 6.000 người bị thương. Ảnh: Felipe Dana/AP

Trong khi đó bên ngoài Lebanon ngày càng thêm nhiều nước cân nhắc đưa Hezbollah vào danh sách khủng bố. Vài ngày sau khi vụ nổ xảy ra, Lithuania thông báo cấm mọi nhân vật có liên hệ với Hezbollah nhập cảnh. Lệnh cấm có hiệu lực tới 10 năm. Thụy Sĩ cũng đang cân nhắc liệt Hezbollah vào danh sách khủng bố. Tại Pháp đã có nghị sĩ yêu cầu Pháp xem Hezbollah là khủng bố.

Động thái này của các nước khác với quan điểm của nhiều nước châu Âu trước đó, vốn chỉ xem nhánh quân sự của Hezbollah là khủng bố, còn nhánh chính trị thì không. Với lệnh cấm Hezbollah, Lithuania đứng cùng hàng ngũ với Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan và nhiều nước Ả Rập khác trong chủ trương với nhóm vũ trang này.

Theo nhiều nhà quan sát, hiện đang xuất hiện khả năng có thể sẽ có một sự dàn xếp giữa các nước để hạn chế ảnh hưởng của Hezbollah ở khu vực. Một trong những cách thức có thể là đẩy Hezbollah ra khỏi các nước trong khu vực như Syria, buộc nhóm vũ trang này phải co cụm về Lebanon.

Điều gì sẽ xảy ra nếu viễn cảnh Hezbollah phải co cụm về Lebanon thành sự thật? Nhà phân tích chính trị Qassem Kassir - luôn theo dõi Hezbollah - cho rằng trong trường hợp có bất kỳ dàn xếp nào kiểu này thì Hezbollah sẽ tập trung vào chính trị nội bộ Lebanon và tìm kiếm vai trò chính trị lớn hơn ở nước này. Đây sẽ là điều rất đáng ngại với Lebanon - một đất nước có lịch sử bất ổn chính trị giáo phái.

Nhà phân tích Bishara cho rằng tình thế hiện tại “đang mở cửa cho các nhóm quyền lực chính trị trở lại Lebanon” hoặc là để khôi phục sự ổn định của nước này, hoặc ngược lại sẽ đẩy nước này đến con đường “tự sát hàng loạt”.

Hezbollah quan trọng thế nào với cấu trúc chính trị Lebanon?

Theo nhà báo Mỹ gốc Ả Rập Rami G Khouri, khả năng lớn vụ nổ Beirut sẽ đi vào lịch sử Lebanon như một sự kiện bước ngoặt với cấu trúc chính trị nước này.

Lãnh đạo Hezbollah – ông Hassan Narsrallah (thứ hai từ phải qua) trong một lần gặp người ủng hộ ở Lebanon. Ảnh: Sharif Karim/REUTERS

Đợt biểu tình sau vụ nổ Beirut tiếp nối làn sóng biểu tình ở Lebanon từ tháng 8-2019 khi kinh tế sụp đổ, đất nước vỡ nợ và đã khiến Thủ tướng Saad Hariri phải từ chức. Đây không phải là lần đầu giới chính trị Lebanon thất bại và cũng không phải lần đầu người dân phản đối. Sự phản đối sẽ chưa dừng lại đến chừng nào xuất hiện một chính phủ đủ năng lực khôi phục đất nước. Lebanon lúc này không có sự lựa chọn nào khác là phải thay đổi cấu trúc hệ thống chính trị.

Làn sóng biểu tình năm ngoái đã làm giảm uy tín các đảng chính trị chính trong con mắt hầu hết người dân Lebanon kể cả ở bộ phận người ủng hộ các đảng này khi mức sống của họ bị suy giảm trầm trọng. Các đảng này giờ có vẻ tự thân không thể ngăn chặn yêu cầu phải có sự thay đổi cấu trúc. Theo nhà báo G Khouri, các đảng như Phong trào Tự do Ái quốc của Tổng thống Michael Aoun và Phong trào Tương lai của Thủ tướng Saad Hariri chỉ có thể cầm quyền được với sự hỗ trợ của Hezbollah, như đã thấy những năm qua.

Trong khi đó, so với các đảng chính trị này thì Hezbollah lại ở một quy mô rất khác. Nhánh vũ trang của Hezbollah mạnh hơn nhiều so với lực lượng vũ trang quốc gia Lebanon, và có sự gắn kết hơn nhiều so với mọi tổ chức giáo phái riêng lẻ khác. Hezbollah còn có quan hệ về mặt cấu trúc với Iran, Syria, và nhiều nhóm vũ trang khác trong khu vực.

Tay súng Hezbollah. Ảnh: Tara Todras-Whitehill/AP

Nếu làn sóng biểu tình mạnh hơn, cuối cùng bầu cử sẽ diễn ra theo hướng dân chủ và tôn trọng các nhà kỹ trị hơn, để tập trung ổn định kinh tế đất nước.

Các đảng phái chính trị của ông Aoun, ông Hariri khả năng lớn sẽ phản đối điều này, và đây sẽ là cơ hội của Hezbollah để tăng vai trò của mình. Đơn giản Hezbollah không muốn nhà nước Lebanon sụp đổ nhưng cũng không thể tự mình cầm quyền Lebanon.

Trung Đông thêm bất ổn

Hezbollah có hai nhánh: vũ trang (bị nhiều nước đặc biệt phương Tây xem là khủng bố) và chính trị (tham gia vào hệ thống chính trị Lebanon, không bị châu Âu xem là khủng bố).

Thách thức lớn với người dân Lebanon lúc này là liệu họ có thể vừa loại được nhánh vũ trang của Hezbollah ra khỏi bàn thương lượng vừa thỏa hiệp được một thỏa thuận lập được một chính phủ đủ khả năng khôi phục đất nước?

Hezbollah co cụm về Lebanon không chỉ mang lại nhiều thách thức với đất nước có lịch sử bất ổn chính trị giáo phái này mà còn gây bất an hơn cho Trung Đông.

Về mặt khu vực, Hezbollah lâu nay vốn chiến đấu bên cạnh hàng ngũ của quân đội Syria, bảo vệ thể chế Tổng thống Bashar al-Assad. Các hoạt động của Hezbollah ở Syria chủ yếu tập trung bảo vệ lợi ích của nước này trong vấn đề ranh giới hàng hải và biên giới trên bộ giữa Syria với Israel, cũng như các lệnh trừng phạt của Mỹ. 

Ngoài ra một nhiệm vụ nữa của Hezbollah ở Syria còn là huấn luyện lực lượng Syria đánh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Huấn luyện tay súng địa phương đánh IS cũng là nhiệm vụ của Hezbollah ở Iraq.

Không còn Hezbollah chắc chắn tình hình không chỉ Syria và Iraq mà cả Trung Đông sẽ có nhiều biến đổi và bất ổn.

Lebanon đang trải qua các động lực tương tự như nhiều nước Ả Rập khác kể từ năm 2010: lực lượng dân chúng tức giận vì bị bần cùng hóa xuống đường nhằm lật đổ cấu trúc chế độ đang nắm quyền. Cũng như Sudan, Algeria, Syria, Ai Cập, Iraq và nhiều nơi khác, các công dân Lebanon mệt mỏi và bị tổn thương đã và đang vật lộn với thể chế quân sự không dễ bị lật đổ.

Nói không dễ bị lật đổ là vì cấu trúc quyền lực của thể chế chính trị Lebanon không giống của bất kỳ nước Ả Rập nào và thậm chí còn khó thách thức hơn rất nhiều. Giáo phái chính trị chính ở Lebanon – Sunni – và một số giáo phái khác đã phát tín hiệu sẵn sàng hợp tác, chia sẻ quyền lực nếu bị buộc phải thế, miễn là mình vẫn giữ được đủ quyền lực để phục vụ lợi ích của mình, theo nhà báo G Khouri.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm