Kêu gọi giải trừ hạt nhân

Kêu gọi giải trừ hạt nhân ảnh 1Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon khai mạc cuộc họp, đã kêu gọi các nước cùng hành động chống lại biến đổi khí hậu, nghèo đói trên toàn cầu và đẩy nhanh việc giải trừ vũ khí hạt nhân: "Nếu có lúc để hành động với tinh thần đa phương đổi mới - một thời điểm để tạo ra một LHQ với hành động tập thể, thì đó là ngay bây giờ".

Tổng thống Mỹ Barack Obama - với bài phát biểu đầu tiên tại Đại Hội đồng LHQ, trong tháng Mỹ làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an - đã trở thành tâm điểm chú ý. Ông Obama nói rằng, thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề nóng, nước Mỹ không thể hành động một mình và kêu gọi thế giới đoàn kết để cùng đối phó.

Bài phát biểu của ông Obama có vẻ cho thấy, ông đang muốn theo đuổi cam kết về xây dựng mối quan hệ đối tác tốt đẹp hơn với LHQ, thay vì quan hệ đã xấu đi rất nhiều dưới thời Tổng thống George Bush.

Về vấn đề hạt nhân, ông Obama nói, "việc phổ biến hạt nhân đang gia tăng cả về quy mô lẫn mức độ phức tạp". Ông kêu gọi Iran và Triều Tiên công khai chương trình hạt nhân của họ và ủng hộ các biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân của hai nước trên.

Có 14 bài phát biểu trong ngày họp đầu tiên của Đại Hội đồng LHQ.Trong số đó, Thủ tướng Anh Gordon Brown cho biết, Anh sẽ cắt giảm số tàu ngầm hạt nhân của Anh từ 4 xuống còn 3 chiếc. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói rằng, Iran sẽ mắc sai lầm lớn khi cho rằng thế giới không hành động đối với chương trình hạt nhân quân sự của Iran.

Hai bài phát biểu gây tranh cãi là của Tổng thống Libya Muammar Gaddafi - vì việc ông đã đòi trả tự do cho thủ phạm vụ đánh bom Lockerbie, và của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad - vì những tuyên bố bài Do Thái và về chương trình hạt nhân Iran. Nhiều nhà lãnh đạo và đoàn đại biểu các nước phương Tây đã bỏ ra ngoài, tỏ ý phản đối khi ông Ahmadinejad đăng đàn ở Đại Hội đồng LHQ.

Cùng ngày 24.9, ông Obama chủ trì phiên họp cấp thượng đỉnh của Hội đồng Bảo an LHQ về giải trừ vũ khí hạt nhân. Theo tin từ giới ngoại giao, tối 24.9, HĐBA bỏ phiếu nhất trí một dự thảo nghị quyết tăng cường các nỗ lực chống phổ biến hạt nhân, giải trừ vũ khí và giảm nguy cơ khủng bố hạt nhân.

Các nhà ngoại giao cho rằng, đây là động lực chính trị mạnh mẽ để tiến tới một thế giới phi hạt nhân, trong khi lâu nay các nỗ lực giải trừ hạt nhân hầu như bế tắc. Còn các trợ lý của ông Obama thì nhận xét rằng, nghị quyết này được thông qua được coi là sự ủng hộ đối với cam kết thế giới không vũ khí hạt nhân mà Tổng thống Mỹ đưa ra.

Dự thảo không nhắc tên nước nào cụ thể, nhưng khẳng định lại các nghị quyết trước của HĐBA về việc áp đặt lệnh cấm vận với Iran và Triều Tiên vì các hoạt động hạt nhân.

Theo V.N (LĐ/ AP, BBC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm