Kennedy dòng họ vinh quang và bất hạnh

Nhà chính trị cuối cùng

Một chiếc xe hơi va chạm, chỉ cần người lái xe mang họ Kennedy cũng có thể đăng lên trang nhất các tờ báo hàng đầu của Mỹ. Tuy vậy, những chuyện tương tự chắc đã kết thúc cùng với cái chết của Edward Kennedy - thành viên có ảnh hưởng cuối cùng của dòng họ nổi tiếng này. Qua đời ở tuổi 77, cái chết vì ung thư não của Edward có thể coi là một “kỳ tích” trong dòng họ. 3 anh trai của ông đều chết một cách bất thường, 2 người bị ám sát, 1 người chết khi máy bay gặp nạn.

Năm 1962, chàng trai tròn 30 tuổi Edward Kennedy vừa đủ tuổi bước vào chính trường tiếp nhận chiếc ghế trong thượng viện của người anh thứ 2 John F.Kennedy vừa bỏ trống 2 năm trước khi ra tranh cử Tổng thống. Năm 1969, ông tranh cử chức Chủ tịch Đảng dân chủ và trở thành Chủ tịch trẻ nhất của đảng này trong lịch sử. Khi đó, những người quen biết đều coi Edward - người có tính cách ôn hòa nhất trong 4 anh em nhà Kennedy như một ngôi sao sáng trên bầu trời chính trị và khẳng định một ngày ông sẽ trở thành Tổng thống.

Tuy vậy, sự kiện 1969 như một đòn chí mạng đánh vào sự nghiệp chính trị của Edward. Hồi ức “Kim chỉ nam thực sự” của Edward được xuất bản tháng 9 vừa qua lại một lần nữa nhắc tới sự kiện khiến ông tự trách mình trong suốt 40 năm. Đêm 18-7-1969, Edward đến dự một buổi gặp mặt trên đảo Chappaquidick, Massachusetts. Trên đường về, chiếc xe lao xuống sông, ông đã tự bơi vào bờ để về nhà, bỏ mặc chiếc xe cùng người đồng hành chết đuối.

Hôm sau, cảnh sát tìm thấy thi thể người phụ nữ trẻ, Edward mới đến tự thú và bị cáo buộc trốn khỏi hiện trường tai nạn. Vì việc này, Edward mất hoàn toàn sự tín nhiệm của người dân và buộc phải từ bỏ cuộc bầu cử tổng thống năm 1972 và 1976. Thậm chí trong cuộc bầu cử năm 1980, sự việc lại bị nhắc tới khiến Edward thua Jimmy Carter ngay trong đảng. Sau này, ông quyết định từ bỏ giấc mơ Tổng thống, quyết định làm một nghị sỹ đến hết đời.

Mấy chục năm sau sự kiện Chappaquidick, dư luận nước Mỹ cuối cùng cũng đánh giá công bằng về Edward Kennedy, không thể phủ nhận ông là một chính trị gia kiệt xuất. Tổng thống B.Obama thậm chí còn cho rằng Edward là “thượng nghị sỹ vĩ đại nhất thời đại”. “Ông luôn có trách nhiệm cao với mọi việc, suy nghĩ và lý tưởng của ông vẫn còn in dấu đậm nét trong hàng chục bộ luật và nó ảnh hưởng đến cuộc sống của mấy chục triệu dân Mỹ”.

Bóng đen của lời nguyền

Có người cho rằng việc Edward không trở thành Tổng thống Mỹ lại chính là “phúc trong họa”. Ông từng gặp tai nạn máy bay, bị thương ở lưng, nhưng rốt cuộc vẫn thoát được bóng đen của “lời nguyền” chết chóc bao phủ lên dòng họ của những người đàn ông đạt tới địa vị cao nhưng không tại vị được lâu.

Dòng họ Kennedy vốn là dân di cư từ Ireland đến Mỹ năm 1849. Trải qua 2 thế hệ, đến Joseph Patrick (Joe) Kennedy, ánh sáng bắt đầu lóe lên. Joseph từ 25 tuổi đã đảm nhận chức Tổng giám đốc một ngân hàng ở Boston với tài sản khổng lồ nhờ đầu tư chứng khoán, bất động sản và sản xuất phim.

Trong thời gian Franklin D.Roosevelt làm tổng thống, ông Joseph từng giữ chức Đại sứ ở Anh. Nhưng dù là một nhà kinh doanh thành đạt, ông không hợp với vai trò một chính trị gia. Vốn được coi như một ứng cử viên Tổng thống, ông buộc phải ngậm ngùi từ bỏ chính trường và dồn hy vọng vào các con trai.

Joseph cha có 9 người con, trong đó có 4 con trai. Người con trai cả - Joseph con trở thành đối tượng bồi dưỡng chính nhắm tới chiếc ghế Tổng thống của gia đình. Sau khi Thế chiến II bùng nổ, Joseph con cùng các em John và Robert lần lượt tòng quân. Năm 1944, Joseph con lái chiếc máy bay chứa đầy thuốc nổ hòng tiêu hủy các dàn phóng tên lửa của Đức Quốc xã, nhưng gặp nạn trên đường, qua đời ở tuổi 29.

(Còn tiếp)

Theo BẢO TRÂM tổng hợp (ANTĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm