Kế hoạch sống sót qua ‘tận thế’ hạt nhân của Mỹ

Trong những năm tháng chiến tranh lạnh, những kế hoạch nhằm bảo vệ chính phủ Liên bang Mỹ - bộ não điều hành đất nước sống sót qua chiến tranh hạt nhân được giữ tuyệt mật.

Chỉ đến khi các hồ sơ của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) từ thời cựu Tổng thống Jimmy Carter được giải mật gần đây, cùng với các tài liệu tại một số thư viện các đời cựu tổng thống, những kế hoạch nhằm giữ chính phủ Mỹ không bị tê liệt vì chiến tranh hạt nhân mới dần được hé lộ.

Cơ sở di tản đặc biệt dành cho Tổng thống Mỹ: Đỉnh Weather.

Ngủ quên sau khủng hoảng

Trước khi ông Carter nhậm chức, nước Mỹ không quá chú trọng đầu tư các kế hoạch và cơ sở vật chất bảo vệ người dân và chính phủ khỏi nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Chính phủ Mỹ dành ra chưa đến 100 triệu USD cho phòng thủ dân sự, trong khi chi đến 30 tỉ USD để không ngừng cải tiến kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của mình.

Quốc hội Mỹ cũng thừa nhận tính quan trọng của một chương trình phòng thủ dân sự thống nhất nhưng không có mấy nỗ lực đầu tư cho vấn đề này. Sau cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân Cuba năm 1962, chính phủ Mỹ cũng cấp tập xây dựng sáu trung tâm tái bố trí nhân sự và bộ máy chính phủ liên bang trên khắp đất nước nhằm mục đích ngăn chính phủ không bị tê liệt vì chiến tranh hạt nhân. Thế nhưng sau đó nỗi lo sợ này dần chìm vào quên lãng.

Chuyên trang nghiên cứu Foreign Policy cho biết Liên Xô khi đó đã bỏ xa Mỹ trong cuộc đua xây dựng kế hoạch giữ cho đất nước và chính phủ sống sót sau một cuộc chiến tranh hạt nhân. Còn các cơ quan chính phủ Mỹ dù được yêu cầu mỗi nơi xây dựng các hầm trú cho nhân viên chính phủ và lưu trữ dữ liệu quốc gia có vẻ vẫn chẳng đoái hoài thực thi. Đến thập niên 1970, nhiều cơ quan đã dừng xây dựng kế hoạch phản ứng khủng hoảng vì cho rằng tất cả đã có một cơ quan chuyên trách nào đó lo hết từ đầu đến chân.

Vào thời điểm đó, kế hoạch bảo vệ đầu não chính phủ Mỹ trong trường hợp khẩn cấp là Bộ Tổng tham mưu liên quân Mỹ sẽ ra lệnh di tản 60 quan chức quan trọng nhất đến các địa điểm an toàn. Trong số đó, các nhân vật quan trọng nhất được đưa đến cơ sở tại Đỉnh Weather ở Virginia. Tuy nhiên, lục quân và không quân Mỹ chỉ có đủ trực thăng để di tản 1/3 số quan chức quan trọng của chính phủ. Đó là chưa kể đến các cơ sở vật chất tại Đỉnh Weather thời điểm này không đủ đảm bảo cho các nhà lãnh đạo liên lạc với bộ máy chính phủ.

Một vụ thử hạt nhân năm 1971 gần đảo Muruaroa, Thái Bình Dương. Giai đoạn này Mỹ bị Liên Xô bỏ xa trong cuộc đua bảo vệ người dân và chính phủ sống sót sau chiến tranh hạt nhân. Ảnh: GETTY

“Mệnh lệnh 58”

Chính vì vậy, những câu hỏi làm sao giữ chính phủ Mỹ sống sót vượt qua “ngày tận thế” một khi chiến tranh nổ ra trở thành vấn đề ám ảnh hàng đầu của cựu Tổng thống Jimmy Carter. Nếu tổng thống cùng đội ngũ lãnh đạo sống sót được chiến tranh hạt nhân, “bộ não” của nước Mỹ sẽ làm gì? Làm sao để vị tổng tư lệnh của nước Mỹ được xác nhận còn sống sót? Ai sẽ xác nhận cho ông? Làm cách nào để tổng thống Mỹ thực hiện được ba quyền lực cốt lõi của mình: Lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo quốc gia và tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.

Những lời giải mà ông Carter và các cố vấn tìm ra đã được đưa vào Mệnh lệnh tổng thống số 58, được ban bố nội bộ vào những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông vào năm 1981. “Mệnh lệnh 58” của Tổng thống Carter được đưa ra nhằm hoàn thành tham vọng: Trong trường hợp chiến tranh hạt nhân toàn diện nổ ra, chính phủ có thể giúp 80% dân số Mỹ sống sót và kế hoạch này được chuẩn bị với kinh phí chưa đến 250 triệu USD/năm.

Năm 1979, dưới thời của Tổng thống Carter, chính phủ Mỹ quyết định cho ra đời Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA), được ví von như cơ quan quyền lực nhất nước Mỹ trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc. Ông cũng giao trực tiếp cho Lầu Năm Góc và Hội đồng An ninh quốc gia nhiệm vụ giám sát chương trình phòng thủ dân sự.

Một hồ sơ mật của CIA được giải mật cho thấy vấn đề giữ cho thể chế tổng thống tiếp tục vận hành trơn tru trong trường hợp chiến tranh hạt nhân nổ ra cũng được nâng lên tầm chiến lược an ninh quốc gia. Theo đó, Đỉnh Weather được xem là nơi để di tản tổng thống và được chỉ định hẳn một quan chức thuộc FEMA giữ vai trò “thị trưởng” và cải tổ cơ sở vật chất nơi này đủ để tổng thống cùng êkíp sống sót và điều hành đất nước.

“Biệt đội 50”

Không chỉ đẩy mạnh xây dựng cơ sở để di tản các yếu nhân chính trị hàng đầu đất nước, Tổng thống Carter còn ra lệnh thành lập một tổ chuyên gia lập kế hoạch sơ tán và tìm kiếm những cá nhân theo thứ tự kế nhiệm tổng thống nếu chiến tranh nổ ra.

Nhóm này được phụ trách bởi Giám đốc Văn phòng quân sự Nhà Trắng Hugh Carter và trợ lý quân sự của cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski - Đại tá Bill Odom. Nhận thức được viễn cảnh các yếu nhân chính trị sẽ bị phân tán trong chiến tranh và khó có khả năng đến kịp các cơ sở chỉ huy cố định, nhóm chuyên gia của Carter và Odom cho ra đời khái niệm các “Biệt đội 50”.

Ông Jimmy Carter đặt mục tiêu cải tổ chương trình phòng thủ dân sự Mỹ phòng chiến tranh hạt nhân.

Theo kế hoạch này, trong trường hợp khẩn cấp sẽ có 50 nhân viên liên ngành được biệt phái ngẫu nhiên đến một số địa điểm trong “từ vài trăm đến gần 3.000 điểm tập kết được chuẩn bị từ trước”. Lầu Năm Góc đặt mật danh cho nhóm này là biệt đội “Ngọn cây” (Treetop) với nhiệm vụ tạo thành các đội “hỗ trợ người kế nhiệm tổng thống”.

Trong trường hợp chiến tranh, các nhóm này được chia ra với nhiệm vụ tìm kiếm và xác thực danh tính tổng thống hoặc người kế nhiệm tổng thống. Các chi tiết cụ thể về kỹ thuật nhận diện đến nay vẫn được xem là tuyệt mật. Theo Foreign Policy, nhiều khả năng các yếu nhân chính trị trong thứ tự kế nhiệm chức vụ tổng thống đều có các “chip theo dõi”. FEMA và Bộ chỉ huy quân sự quốc gia chịu trách nhiệm tìm kiếm tín hiệu của những con chip này.

Sau khi hoàn thành sứ mệnh tìm kiếm, các đội này sẽ hỗ trợ tổng thống liên hệ với Lầu Năm Góc hoặc những gì còn sót lại của bộ chỉ huy quân sự để thực hiện kế hoạch chiến tranh hạt nhân. Các nhóm trong “Biệt đội 50” cũng trở thành đầu mối nhận thông tin tình báo và đánh giá thiệt hại quốc gia, đồng thời liên lạc với chính quyền các bang và địa phương. Các thành viên trong biệt đội này cũng phải chuẩn bị tinh thần hoạt động độc lập, không có sự giúp đỡ nào trong thời gian ít nhất là sáu tháng.

Trong thời của Tổng thống Carter, đã có ít nhất 29 biệt đội như vậy được thành lập. Trong đó có hai biệt đội được giao chuyên trách “tái xây dựng” Quốc hội trong trường hợp chiến tranh và điều động lực lượng phòng vệ dự bị toàn quốc, tương đương với một lệnh tổng động viên.

Những mật danh đầu tiên

Vào thời Tổng thống Jimmy Carter, chỉ có duy nhất ông và Phó Tổng thống Walter Mondale là có “cặp khẩn cấp của tổng thống” - những chiếc cặp hạt nhân “Football” nổi tiếng dùng để xác nhận danh tính là tổng tư lệnh quân đội Mỹ và có quyền kích hoạt vũ khí hạt nhân. Hệ thống chỉ huy và kiểm soát lực lượng hạt nhân của Mỹ đứng trước rủi ro bị tê liệt hoàn toàn nếu cả hai người này bị vô hiệu hóa, không liên lạc được hoặc tử vong trong một cuộc chiến hạt nhân.

Để xác định được những người trong chính quyền có khả năng “kế thừa” vị trí tổng tư lệnh, văn phòng quân sự Nhà Trắng khi đó đề xuất một hệ thống mật danh dành cho các yếu nhân còn lại. Nếu như chủ tịch Hạ viện khi đó là Thomas P. O’Neil là người sống sót duy nhất của chính quyền, ông sẽ xác định danh tính của mình với sĩ quan khẩn cấp còn sống sót của trung tâm chỉ huy Lầu Năm Góc bằng mật danh “Ngày quốc kỳ” (Flag Day). Người kế nhiệm kế tiếp sẽ là lãnh đạo Thượng viện với mật danh “Bốn ngón” (Four Finger). Kế tiếp đó sẽ là ngoại trưởng với mật danh “Biến mất” (Fade Away).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm