Israel-Thổ Nhĩ Kỳ nối lại quan hệ sau 6 năm

Hãng tin CNN (Mỹ) dẫn nguồn tin một số quan chức Israel cho biết Israel và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nối lại quan hệ ngoại giao sau sáu năm cắt đứt vì Isarel tấn công Mari Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ làm tám công dân Thổ Nhĩ Kỳ và một công dân Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.

Nội dung tuyên bố khôi phục quan hệ này sẽ được hai bên chính thức thông báo trong ngày 27-6 (giờ địa phương). Theo đó, hai bên sẽ trao đổi đại sứ trở lại, Israel sẽ bồi thường 20 triệu USD cho thân nhân công dân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý chấm dứt mọi yêu cầu với phía Israel liên quan đến vụ tấn công tàu Mari Marmara sáu năm trước.

Thủ tướng Israel Netanyahu và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: CNN

Hai nước đi đến thỏa thuận sau hàng loạt cuộc thương lượng bắt đầu từ năm ngoái.

Theo nội dung thỏa thuận thì phía Israel đã có bước nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ. Trước khi ký thỏa thuận khôi phục quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Israel dỡ bỏ phong tỏa Dải Gaza. Về phần mình, Israel yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngăn cản nhóm vũ trang Hamas hoạt động ở Dải Gaza.

Tới đây, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền chuyển hàng cứu trợ nhân đạo, hàng hóa phi quân sự và đầu tư phát triển hạ tầng ở Dải Gaza. Trong khi đó nhóm Hamas và các vấn đề liên quan không được đề cập trong thỏa thuận.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch xây một bệnh viện 200 giường ở Dải Gaza, tăng cung cấp điện và nước uống.

Thổ Nhĩ Kỳ từng là một trong những đồng minh thân thiết nhất của Israel ở khu vực. Hai nước cắt đứt quan hệ kể từ sau sự cố lính biệt kích Israel tấn công tàu Mari Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ đang đi về Dải Gaza hồi tháng 5-2010.

Tháng 3-2013, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên tiếng xin lỗi về sự việc. Sau lời xin lỗi này, nhiều nhà phân tích dự đoán hai nước sẽ sớm nối lại quan hệ nhưng thực tế hai nước vẫn lạnh nhạt kéo dài thêm hơn ba năm nữa.

CNN nhận định bước hòa giải này ngoài động cơ chính trị thì còn vì mục tiêu kinh tế. Israel sở hữu một trữ lượng lớn khi gas tự nhiên và Thủ tướng Benjamin Netanyahu muốn phát triển nguồn thu từ nó. Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ lại có nhu cầu về khí gas, đặc biệt sau khi quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga - nguồn cung cấp khí gas chính xấu đi từ cuối năm 2015.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hỗ trợ rất tích cực để Thổ Nhĩ Kỳ và Israel nối lại quan hệ, vì cả hai đều là đồng minh của Mỹ ở khu vực.

Tối 26-6, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, hoan nghênh về thỏa thuận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm