IS muốn đánh du lịch Thổ Nhĩ Kỳ

Vụ đánh bom liều chết tại thành phố lớn nhất châu Âu Istanbul không chỉ nhằm vào du khách vô tội mà còn nhắm đến nền kinh tế du lịch 32 tỉ USD đang lâm vào thế kẹt của Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm ngoái, không ai đóng góp nhiều cho du lịch Thổ Nhĩ Kỳ hơn các du khách Nga và Đức. Họ đã biến quốc gia giữa hai châu lục Á và Âu trở thành điểm đến du lịch được ưa chuộng thứ sáu trên thế giới.

Người Nga đang tránh xa Thổ Nhĩ Kỳ sau sự kiện máy bay Su-24 của Nga bị máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hồi tháng 11-2015.

Nay đến lượt các du khách Đức sẽ bị ảnh hưởng vì họ trở thành nạn nhân trong vụ đánh bom tự sát tại quảng trường đông khách tham quan nhất Istanbul sáng 12-1.

Tạp chí Time dẫn lời Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier phát biểu ngay sau vụ đánh bom: “Từ nhiều năm nay người Đức chúng tôi đã không bị ảnh hưởng nặng như khủng bố ở Istanbul hôm nay”.

Số liệu chính thức cho thấy hơn 5 triệu du khách Đức đã đến Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2015.

Cảnh sát bắt giữ người trong chiến dịch ở Antalya ngày 13-1. Ảnh: DHA

Giới phân tích đánh giá vụ đánh bom tại Istanbul dường như được thiết kế nhằm gây thiệt hại cao nhất cho ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Nas Masraff, Giám đốc phụ trách châu Âu của tổ chức tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, nhận định: “Ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu thiệt hại lớn hơn trong năm 2016, đặc biệt khi xét đến việc người Đức là nhóm du khách lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Ý kiến này được chuyên gia phân tích Oytun Orhan thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Trung Đông (có trụ sở ở Ankara), chia sẻ: “Đó là một mục tiêu được tính toán kỹ nhằm làm tổn hại ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ”.

Thổ Nhĩ Kỳ đã có kế hoạch thúc đẩy du lịch để củng cố hồi phục kinh tế sau khi các nền kinh tế mới nổi suy sụp và khủng hoảng chính trị xảy ra dẫn đến tổ chức hai cuộc bầu cử chỉ trong sáu tháng.

Mặc dù vậy, 2015 là năm đầu tiên từ năm 2006 khi số lượng du khách đến Thổ Nhĩ Kỳ không tăng.

Sau vụ máy bay Su-24 của Nga bị bắn rơi, các hãng lữ hành của Nga bị cấm bán tour sang Thổ Nhĩ Kỳ. Hai nước cũng đã đình chỉ áp dụng chế độ miễn thị thực.

Ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng thêm nữa do hai vụ đánh bom tự sát được cho là do các tay súng Nhà nước Hồi giáo tự xưng thực hiện tại nhà ga thủ đô Ankara hồi tháng 10-2015 làm 103 người thiệt mạng.

Những vụ tấn công trước đó nhằm vào người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng chứng tỏ chiến sự Syria đã lan sang Thổ Nhĩ Kỳ trong khi các chiến binh người Kurd là lực lượng bộ binh nòng cốt đánh Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Syria.

Vụ đánh bom tự sát tại Istanbul hôm 12-1 có vẻ như cú ra đòn quan trọng đầu tiên của Nhà nước Hồi giáo tự xưng nhằm đến các địa điểm du lịch ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là diễn biến mà giới chức và các hãng du lịch lo sợ từ lâu.

Một nhân viên lữ hành chỉ tiết lộ họ là Suleiman than vãn với tạp chí Time khi ông ngồi trong văn phòng cách hiện trường vụ tấn công ở Istanbul chỉ vài mét: “Mọi việc đã tồi tệ và chúng sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ”.

Hãng tin Dodan (Thổ Nhĩ Kỳ) đưa tin cơ quan điều tra đã xác định tên đánh bom tự sát tại Istanbul sáng 12-1 tên là Nabil Faldi, 27 tuổi, người Syria. Tên này sinh tại Saudi Arabia, từ Syria nhập cảnh vào Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5-1 và là phần tử Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Sáng 13-1, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã mở chiến dịch tại Antalya và bắt giữ ba nghi can Nhà nước Hồi giáo tự xưng đều là công dân Nga. Ngoài ra còn có 65 nghi can khác đã bị bắt giữ ở nhiều địa phương.

TNL

10 người chết trong vụ đánh bom ở Istanbul đều là công dân Đức. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière cho biết như trên. Ông nhấn mạnh không có dấu hiệu cho thấy người Đức bị nhắm đến làm mục tiêu, do đó dân Đức vẫn nên đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 13-1, ông đã đến hiện trường đánh bom tại Istanbul.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm