Iran kiện Mỹ ra tòa án quốc tế

Ngày 27-8, Tòa án Công lý Quốc tế tại TP The Hague (Hà Lan) đưa ra xét xử vụ kiện của Iran buộc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt đã tái áp đặt lên nước này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Đơn kiện được Iran đệ lên Tòa án Công lý Quốc tế hồi tháng 7. Trong đơn kiện, Iran gọi bước đi của Mỹ vi phạm một thỏa thuận song phương ký năm 1955 có tên Hiệp ước Hữu nghị vốn điều chỉnh các quan hệ kinh tế và lãnh sự hai nước.

Thành viên Tòa án Công lý Quốc tế tại phiên tòa ngày 27-8 ở The Hague (Hà Lan). Ảnh: REUTERS

Thành viên Tòa án Công lý Quốc tế tại phiên tòa ngày 27-8 ở The Hague (Hà Lan). Ảnh: REUTERS

Tại phiên tòa ngày 27-8, ông Mohsen Mohebi đại diện Iran cho rằng quyết định của Mỹ là sự vi phạm rõ ràng Hiệp ước Hữu nghị 1955 khi “cố ý gây tổn hại, càng nghiêm trọng càng tốt, đến kinh tế Iran”.

Theo ông Mohebi, chuyện Mỹ tái áp đặt trừng phạt là phi lý khi Iran vẫn tuân thủ đúng các điều khoản thỏa thuận. Ông cho biết các lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây tổn thương cho kinh tế và xã hội Iran, cũng như đe doạ làm bất ổn hơn khu vực Trung Đông.

“Chính sách này không gì hơn là sự gây hấn kinh tế rõ ràng nhắm vào nước tôi” – ông Mohebi nói tại phiên tòa.

Phía Iran tại phiên tòa Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague (Hà Lan) ngày 27-8. Ảnh: REUTERS

Phía Iran tại phiên tòa Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague (Hà Lan) ngày 27-8. Ảnh: REUTERS

Iran yêu cầu các thẩm phán can thiệp ngưng ngay các lệnh trừng phạt của Mỹ, bảo vệ quyền lợi của Iran, trong thời gian diễn ra tiến trình xét xử.

Phần mình, Mỹ dự kiến sẽ trình phần biện hộ của mình lên tòa án trong ngày 28-8 (giờ địa phương).

Theo Reuters, phán quyết dự kiến sẽ có trong vòng một tháng. Phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế là cao nhất và có giá trị ràng buộc pháp lý.

Cố vấn pháp lý Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Newstead (trái) và Giáo sư luật quốc tế Donald Childress tư vấn cho Bộ Ngoại giao Mỹ, tại phiên tòa Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague (Hà Lan) ngày 27-8. Ảnh: REUTERS

Cố vấn pháp lý Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Newstead (trái) và Giáo sư luật quốc tế Donald Childress tư vấn cho Bộ Ngoại giao Mỹ, tại phiên tòa Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague (Hà Lan) ngày 27-8. Ảnh: REUTERS

Theo thỏa thuận hạt nhân Iran ký với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc) năm 2015, Iran đồng ý ngưng chương trình hạt nhân đổi lấy được Mỹ và cộng đồng thế giới dỡ bỏ phần lớn trừng phạt. Tuy nhiên thỏa thuận có giới hạn thời gian và không đề cập đến chương trình tên lửa đạn đạo Iran cũng như các chính sách của nước này ở Syria và khu vực. Ông Trump gọi đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất trước nay” vì những điều này.

Bên cạnh tái áp đặt trừng phạt Iran đầu tháng 8, Mỹ cũng đe dọa sẽ trừng phạt các nước nếu không ngưng nhập khẩu dầu Iran từ đầu tháng 11 tới.

Thái độ của Mỹ không được các nước khác trong nhóm P5+1 ủng hộ. Tuần trước, Liên minh châu Âu thông báo gói hỗ trợ tài chính đầu tiên giúp đỡ kinh tế Iran – một phần cam kết duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm