Iran, Đức đe Mỹ trước giờ G thỏa thuận hạt nhân

Nếu Mỹ rút, thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm P5+1 sẽ ngay lập tức đổ vỡ, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani khẳng định ngày 13-10. Và theo ông, điều này có thể sẽ gây hỗn loạn toàn cầu.

Ông Larijani đưa ra lời đe dọa chỉ vài giờ trước giờ G – Tổng thống Mỹ Donald Trump báo cáo với Quốc hội Mỹ về việc thực thi thỏa thuận của Iran.

Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nga, Trung Quốc). Thỏa thuận đi vào thực hiện vào đầu năm nay. Ông Trump lên án thỏa thuận là “giao dịch tồi tệ nhất trước nay” của Mỹ, tuyên bố sẽ hủy bỏ.

Từ khi thỏa thuận đi vào thực hiện chính phủ Trump đã 2 lần báo cáo Quốc hội, đều công nhận Iran tuân thủ tốt thỏa thuận. Nếu lần này ông Trump nói Iran vi phạm thỏa thuận, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để quyết định có khôi phục trừng phạt Iran hay không. Nếu có, đồng nghĩa với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận.

Ông Larijani đang ở TP St Petersburg (Nga) tham dự một diễn đàn quốc tế về nghị viện, nói ông hy vọng Nga sẽ tham gia giải quyết vấn đề nảy sinh quanh thỏa thuận hạt nhân.

Nhà máy hạt nhân Bushehr của Iran, cách thủ đô Tehran 1.200km. Ảnh: REUTERS

Nhà máy hạt nhân Bushehr của Iran, cách thủ đô Tehran 1.200km. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel ngày 12-10 cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran đang bị vờn qua vờn lại như “một quả bóng” vì lợi ích chính trị của các bên ở Mỹ, bất kể hậu quả có thể sẽ rất nghiêm trọng. Ông cảnh báo nếu ông Trump rút khỏi thỏa thuận, châu Âu sẽ càng xa Mỹ và sẽ đến gần hơn với Nga và Trung Quốc.

“Châu Âu bắt buộc phải sát cánh cùng nhau về vấn đề này. Chúng tôi cũng phải nói với Mỹ rằng thái độ của họ sẽ khiến châu Âu chọn đứng về phía Nga và Trung Quốc về chuyện Iran” – ông Gabriel nói với báo RND German, cảnh báo Nga đang theo dõi rất chặt diễn biến, cũng như sự chia rẽ của châu Âu và Mỹ.

Đức có quan hệ kinh tế khá tốt với Nga dù quan hệ ngoại giao không được êm đẹp sau khi Nga sáp nhập lãnh thổ Crimea từ Ukraine. Đức cũng đang tích cực mở rộng quan hệ với Trung Quốc.

Cũng theo ông Gabriel, thế giới giờ chỉ có 3 nước có thể ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, là Mỹ, Nga, Trung Quốc. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là hiện 3 nước này đang mất lòng tin ở nhau quá nhiều đến nỗi không làm việc được với nhau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm