Indonesia: Nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn Delta

Các chuyên gia dịch tễ trên khắp thế giới đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tốc độ và quy mô của đợt bùng phát mới của dịch COVID-19 ở tâm dịch châu Á là Indonesia. Theo đó, Indonesia đang tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện biến thể mới với khả năng lây nhiễm và độc tố nguy hiểm hơn cả biến thể Delta hiện tại.

Nhân viên y tế Indonesia thăm khám cho bệnh nhân COVID-19 tại
Bệnh viện Bogor thuộc TP Bogor ngày 23-7. Ảnh: EPA

Càng nhiều ca nhiễm, nguy cơ virus đột biến càng cao

Theo các chuyên gia, virus luôn không ngừng biến đổi thông qua các đột biến trong chuỗi gen di truyền để tạo ra biến thể mới. TS Ravina Kullar, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nhà dịch tễ học kiêm giảng viên tại Trường Y David Geffen, nhận định: “Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện trên thế giới mỗi tuần nhưng hầu hết đều “đến và đi”. Một số vẫn tồn tại nhưng không phổ biến, một số gia tăng trong cộng đồng nhưng một thời gian sau đó biến mất. Thay đổi và tiến hóa là bản chất tự nhiên của virus chứa gen di truyền”.

Chỉ khi biến thể mới tăng khả năng lây nhiễm, tăng nguy cơ nhập viện hay tử vong ở người và làm giảm hiệu quả của vaccine cũng như các phương pháp điều trị, lúc đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới xếp chúng vào nhóm “đáng lo ngại”. Trên thế giới, có bốn biến thể “đáng lo ngại” gồm: Alpha (phát hiện ở Anh), Beta (từ Nam Phi), biến thể Delta (từ Ấn Độ) và biến thể Gamma (từ Brazil). Theo Giám đốc Viện Sinh học Eijkman (Indonesia) - ông Amin Soebandrio, trong bốn biến thể trên thì ở Indonesia đã có ba loại, trừ Gamma. Tình trạng hiện tại của Indonesia là biến thể Alpha đang lan rộng, còn Delta đã trở thành biến thể vượt trội, chiếm phần lớn số ca bệnh.

Đài Al Jazeera dẫn lời GS Ali Mokdad thuộc ĐH Washington (Mỹ) khẳng định tình trạng nhiễm COVID-19 trong cộng đồng càng tăng thì virus SARS-CoV-2 càng có cơ hội đột biến và tạo ra các biến thể nguy hiểm khác. Nguy cơ này đang rất lớn ở Indonesia với việc lễ hội Hồi giáo Eid al-Adha - diễn ra từ ngày 20 đến 23-7 - khiến tình hình dịch tại nước này xấu hơn.

Đồng quan điểm, GS Robert Bollinger thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ) cho biết virus SARS-CoV-2 có khả năng đột biến thành một biến thể mới mỗi khi nó lây nhiễm cho một người mới. Vì thế, nguy cơ xuất hiện biến thể mới rất cao ở những quốc gia có số ca nhiễm cao như Indonesia.

Chuyên gia Dicky Budiman thuộc ĐH Griffith (Úc) lưu ý từ khi dịch bùng phát trên toàn cầu từ năm ngoái đến nay có xu hướng các biến thể mới luôn xuất hiện ở những khu vực hay quốc gia không thể kiểm soát được dịch, chứ không xuất hiện ở những nước có số ca nhiễm thấp, người dân có ý thức chấp hành quy định y tế.

“Theo đánh giá của WHO, nếu 5% số xét nghiệm cho kết quả dương tính, nghĩa là dịch đã vượt tầm kiểm soát. Tại Indonesia, con số này cao hơn 10% trong khoảng 16 tháng ở giai đoạn đầu của dịch và hiện giờ là trên 30%. Do vậy, rất có khả năng xuất hiện một biến thể mới hoặc siêu biến thể ở Indonesia” - ông Budiman báo động.

 

3,2

triệu là tổng số ca COVID-19 được ghi nhận ở Indonesia tính đến ngày 26-7, theo trang thống kê Worldometers. Trong số này, hơn 84.000 người đã tử vong, còn khoảng 40.000 trường hợp đã hồi phục.

Chính quyền Indonesia nhanh chóng hành động

Ông Shahid Jameel, Chủ tịch nhóm cố vấn tại Hiệp hội Di truyền SARS-CoV-2 Ấn Độ (INSACOG), chia sẻ với Al Jazeera rằng biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao gấp 4-5 lần chủng virus ban đầu, khiến tình hình ở Indonesia hiện nay “rất giống” làn sóng thứ hai ở Ấn Độ hồi tháng trước.

“Khi chúng ta có một loại virus như SARS-CoV-2 với khả năng lây lan nhanh chóng như vậy thì nguy cơ xuất hiện biến thể mới sẽ tăng lên. Indonesia nên rút kinh nghiệm từ bài học của Ấn Độ. Điều quan trọng nhất là phải gia tăng khả năng cung ứng ôxy và công suất của các bệnh viện. Chúng ta vẫn phải hy vọng khi điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra” - ông Jameel nói, đồng thời thừa nhận việc dự đoán biến thể nguy hiểm xuất hiện khi nào và ở đâu vẫn nằm ngoài khả năng của giới khoa học lúc này.

Để đối phó với tình hình dịch căng thẳng hiện nay, chính quyền Indonesia đã phải kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội quyết liệt để chặn đứng đà lây lan của virus. Cụ thể, trong một tuyên bố cuối tuần trước, Tổng thống Indonesia - ông Joko Widodo cho biết sẽ tiếp tục triển khai giãn cách xã hội từ ngày 26-7 đến 2-8 (giờ địa phương).

Theo quy định mới, sẽ có hơn 90 khu vực trên đảo Java và Bali bị áp dụng giới hạn hoạt động cộng đồng cấp độ 4 (cấp độ cao nhất), 33 khu vực khác sẽ được áp dụng các giới hạn ở cấp độ 3. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đưa ra một số quy định hạn chế giờ mở cửa của các chợ truyền thống, các địa điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống cùng một số quy định nghiêm ngặt hơn về sức khỏe và giới hạn công suất phục vụ, theo hãng tin Reuters.

Tổng thống Widodo cho biết sẽ tăng cường trợ cấp xã hội cho cộng đồng và cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm giảm bớt gánh nặng cho cộng đồng do đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các bệnh nhân COVID-19 tự cách ly tại nhà sẽ được hỗ trợ thêm thuốc và các loại thực phẩm chức năng cần thiết.

Đối với những khu vực có tỉ lệ tử vong cao, Indonesia tiếp tục tăng công suất bệnh viện, cách ly tập trung và đảm bảo nguồn ôxy không bị thiếu hụt. Ông Widodo cũng chỉ thị tăng cường xét nghiệm, truy vết, điều trị để giảm tốc độ lây truyền và tăng tỉ lệ khỏi bệnh, đồng thời kêu gọi mọi tầng lớp xã hội, mọi thành phần dân tộc đoàn kết, chung tay chống lại dịch COVID-19.•

 

AstraZeneca tuyên bố ưu tiên vaccine cho các nước
Đông Nam Á

Hãng dược AstraZeneca (liên doanh Anh - Thụy Điển) ngày 24-7 ra tuyên bố khẳng định đang tìm cách để tăng nguồn cung vaccine do hãng sản xuất cho Đông Nam Á - khu vực mà theo hãng là nơi đang đối mặt với đợt bùng phát virus nghiêm trọng nhất trên thế giới hiện nay, theo đài NDTV.

“Chúng tôi cũng đang rà soát hơn 20 chuỗi cung ứng trong mạng lưới sản xuất trên toàn thế giới để tìm kiếm vaccine bổ sung cho Đông Nam Á. Dù vậy, tình trạng khan hiếm nguồn cung toàn cầu đối với vaccine ngừa COVID-19 và sự thiếu hụt nguyên liệu cần thiết để bào chế vaccine khiến chúng tôi rất khó đưa ra một khung thời gian cụ thể” - tuyên bố nêu rõ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm