Indonesia cần làm gì để đại dịch không ‘ghé thăm’ lần nữa?

Theo ông Pandu Riono - nhà dịch tễ học tại ĐH Indonesia, Indonesia cần một kế hoạch có hệ thống và có mục tiêu rõ ràng trong việc đối phó với COVID-19 để tránh rơi vào “bẫy đại dịch” - viễn cảnh số ca mắc và tử vong tăng cao và bệnh viện trở nên quá tải, kênh Channel News Asia đưa tin.

Tận dụng cơ hội, lập kế hoạch và mục tiêu chống dịch cụ thể

Ông Pandu cho rằng lý do khiến nước này phải đối mặt với cơn khủng hoảng COVID-19 trầm trọng chính là do đã bỏ lỡ các cơ hội chống dịch hồi năm 2020. 

Ông lập luận rằng nếu thủ đô Jakarta (Indonesia) thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt khi phát hiện ổ dịch đầu tiên hồi tháng 3-2020, thì virus SARS-CoV-2 sẽ không lây lan sang các thành phố ở đảo Java hoặc các đảo khác ở nước này.

Chôn cất người chết vì COVID-19 ở Indonesia. Ảnh: AP

“Chính phủ nên lập kế hoạch về những gì họ nên làm và sẽ đạt được trong năm tới và năm sau. Nếu không có kế hoạch cụ thể, chúng ta không có cách nào kiểm soát được đại dịch này” - ông nói.

Tuy nhiên, chính phủ Indonesia cho biết đã có một chiến lược dài hạn để thoát khỏi đại dịch.

Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia - ông Luhut Pandjaitan cho biết Indonesia đặt mục tiêu triển khai tiêm 2,5 triệu liều vaccine mỗi ngày vào tháng tới và sau đó là 5 triệu liều mỗi ngày. Theo ông, Indonesia đang lên kế hoạch sống chung với COVID-19. Theo đó, người dân có thể vẫn phải đeo khẩu trang và mang theo giấy chứng nhận tiêm chủng khi đi lại.

Theo một cuộc khảo sát được sở y tế Jakarta thực hiện vào tháng 3 cùng các đối tác khác, 44,5% trong số 10,6 triệu cư dân của thủ đô Jarkarta đã mang kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Theo Channel News Asia, số liệu này (được công bố vào tháng 7) cao hơn nhiều so với con số được báo cáo chính thức. Mặc dù vậy, ông Pandu Riono cho rằng khả năng đạt miễn dịch cộng đồng ở Jakarta là rất khó đạt được vì tỉ lệ tiêm chủng hoặc miễn dịch ở nhiều vùng khác vẫn còn nằm ở mức thấp.

Theo ông, nếu Indonesia không thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19 một cách nghiêm ngặt và chặt chẽ, thì số ca nhiễm sẽ liên tục biến động. 

Indonesia và những thách thức dập dịch

Theo ông Pandu Riono, những thách thức trong công tác phòng chống COVID-19 mà Indonesia phải đối mặt bao gồm thông tin sai lệch, sự thiếu hụt về nguồn cung vaccine COVID-19, các biện pháp hạn chế khó tuân thủ nghiêm ngặt và việc một số khu vực mở cửa lại quá sớm.

Ông cho biết Indonesia không có đủ nguồn cung vaccine để tiến hành tiêm 2 triệu liều vaccine mỗi ngày trong tháng 8 này. Hơn nữa, nước này còn gặp một số khó khăn về mặt hậu cần, chẳng hạn như việc đảm bảo có đủ nhân viên y tế để tiêm vaccine cho người dân.

Theo ông, người dân hiện đang lo sợ và nghi ngờ về hiệu quả cũng như tác dụng phụ của vaccine. Do đó, chính phủ nên cung cấp những thông tin chính xác về vaccine cũng như tác dụng phụ của nó. Đồng thời, chính phủ nên quản lý nghiêm ngặt hơn đối với những thông tin sai lệch về COVID-19, đưa ra các biện pháp cảnh báo hoặc truy tố những cá nhân phát tán thông tin sai lệch. 

Ngoài ra, ông Pandu Riono cũng cho rằng chính phủ nên kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các với các ngày lễ như Hari Raya Puasa (lễ đánh dấu kết thúc tháng ăn chay Ramadan) và Hari Raya Haji (Lễ hội Tế thần) ở nước này.

Theo ông, sự lan rộng của biến thể Delta bắt nguồn từ hai yếu tố là người dân không muốn bị áp đặt các biện pháp hạn chế trong những ngày lễ và do chính phủ không thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp này.

Sau kỳ nghỉ lễ Hari Raya Puasa, số ca mắc mới mỗi ngày ở Indonesia liên tục tăng, từ 5.000 ca (ghi nhận hồi 13-5) lên đến hơn 50.000 ca vào tháng 7. Từ ngày 1-8 đến ngày 11-8, số ca mắc mới mỗi ngày ở nước này dao động trong khoảng 20.709 đến 39.532 ca.

Một yếu tố khác khiến Indonesia lâm vào cơn khủng hoàng COVID-19 là do nước này đã tiến hành “tái mở cửa đảo Bali quá sớm”.

Indonesia đã khởi động chương trình “Work from Bali” (Làm việc từ Bali) dành cho công chức vào tháng 5 với hy vọng phục hồi nền kinh tế dựa vào sức hút du lịch của hòn đảo. Theo đó, 25% công chức ở một số bộ, ngành nước này sẽ đến làm việc tại Bali để thúc đẩy du lịch nội địa. 

Ông Pandu Riono cho rằng thay vì chứng kiến “sự phục hồi của Bali”, chúng ta đã chứng kiến “sự trở lại của COVID-19”, bởi kể từ khi thực hiện chương trình, số ca mắc bệnh ở hòn đảo này đã liên tục gia tăng.

Theo Channel News Asia, Bộ trưởng Luhut cho biết tình hình dịch bệnh ở Bali có thể sẽ ổn định vào cuối năm nay. Theo ông, hòn đảo này đã tiêm chủng cho 85% người dân và sẽ sớm đạt được khoảng 90%.

Bên cạnh đó, ông Pandu cũng kêu gọi các nước láng giềng không nên “cô lập” Indonesia mà hãy chung tay, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống COVID-19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm