Hợp tác Nga - Trung 'chạm đỉnh lịch sử'

Trong bối cảnh sức ép từ Mỹ và phương Tây tiếp tục gia tăng thời gian gần đây, quan hệ Nga - Trung Quốc (TQ) đã trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết trên hầu hết lĩnh vực quan trọng và giới chuyên gia nhận định xu hướng này nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục trong tương lai gần.

 Các xu hướng hiện nay cho thấy sự phân cực dường như đang lên đến đỉnh điểm và thế giới lại chia làm hai phe: Một bên là liên kết Nga -TQ và bên còn lại là Mỹ với các đồng minh. Mọi nỗ lực hàn gắn quan hệ với Mỹ đều bị hạn chế do sự khác biệt về tư tưởng. Dù theo đuổi các mục tiêu khác nhau nhưng Moscow và Bắc Kinh đều muốn chống lại ảnh hưởng của Mỹ.  
ThS DANIL BOCHKOV, tổ chức Hội đồng Quan hệ quốc tế Nga

Nga, Trung Quốc liên tục là mục tiêu của Mỹ, phương Tây

Trả lời hãng tin Al Jazeera, TS Bobo Lo thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) cho biết quan hệ Nga - TQ hiện nay là điển hình kiểu quan hệ ngoại giao nước lớn với động lực chính là cùng chia sẻ một số lợi ích quốc gia nhất định, chứ không nhất thiết phải có chung giá trị theo đuổi.

Thông qua tương trợ lẫn nhau, cả Nga lẫn TQ đều sẽ thu được các lợi ích thiết yếu. Cụ thể, hợp tác quốc phòng cho phép Nga mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế, trong khi TQ có thêm điều kiện để tiếp cận công nghệ quân sự và kinh nghiệm tác chiến của Nga. Hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ cũng giúp Moscow rút ngắn tụt hậu về công nghệ - hệ quả của việc các công ty phương Tây rút hàng loạt khỏi thị trường Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Dù vậy, nhìn rộng ra thì ông Lo cho rằng chính sức ép và sự bao vây của Mỹ và phương Tây mới là điểm nút đẩy Nga và TQ ngày càng xích gần nhau hơn. Tổng thống Joe Biden trong các phát biểu gần đây đều chỉ đích danh hai nước này là mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất của Mỹ. Washington cũng áp đặt cấm vận diện rộng nhắm vào Nga và TQ dựa trên những cáo buộc về vi phạm dân chủ và quyền con người mà đến nay chưa có dấu hiệu sẽ dỡ bỏ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm chính thức thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 6-2018. Ảnh: TASS 

Đáng chú ý hơn cả là Mỹ liên tục củng cố và tạo dựng các cơ chế mà theo quan điểm của Moscow và Bắc Kinh là những liên minh chống lại ảnh hưởng của Nga, TQ. Đầu tiên là việc tái khởi động nhóm Bộ tứ kim cương (QUAD), một liên minh phi chính thức do Mỹ đứng đầu cùng ba thành viên khác là Ấn Độ, Nhật và Úc. Nhóm này hồi năm ngoái đã có một số hoạt động hàng hải chung và trong năm nay đã mở rộng diễn tập sang hai trọng điểm là Tây Thái Bình Dương và vịnh Bengal.

Đến tháng 9, Mỹ tiếp tục cùng Anh và Úc công bố Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên (AUKUS) với mục tiêu củng cố hợp tác an ninh - quân sự và ngoại giao, tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điểm đáng chú ý là Anh, Mỹ sẽ chia sẻ bí quyết công nghệ, giúp Úc sở hữu tàu ngầm hạt nhân. TQ coi AUKUS là “mối đe dọa” với ổn định tại khu vực, còn Nga xem liên minh này là “thách thức lớn” đối với trật tự không phổ biến hạt nhân quốc tế.

Hợp tác Nga - Trung lên đến đỉnh điểm

Hồi tháng 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc điện đàm với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã khẳng định quan hệ song phương đang ở “giai đoạn tốt nhất trong lịch sử”. Đáp lại, ông Tập cho rằng quan hệ Nga - TQ đã đạt tới mức “chiến lược toàn diện trong kỷ nguyên mới” - tức cấp cao nhất trong thang ngoại giao của TQ.

Tờ South China Morning Post cho biết dù lãnh đạo Nga và TQ nhiều lần khẳng định quan hệ hai nước không phải là một liên minh chính thức nhưng mức độ tin cậy về mặt chính trị giữa Moscow và Bắc Kinh khiến giới nghiên cứu cho rằng mối quan hệ này về thực chất đã đạt tới cấp liên minh, chỉ là chưa được hai bên thừa nhận.

Hồi tháng 8, lần đầu tiên hai bên tổ chức cuộc tập trận chiến lược hỗn hợp trên lãnh thổ TQ, gần khu tự trị Ninh Hạ. Giới chuyên gia cho rằng đây là tín hiệu từ Bắc Kinh rằng họ đủ tự tin về khả năng của mình để cho phép binh sĩ nước ngoài trải nghiệm chiến đấu trên lãnh thổ và thử nghiệm các khí tài quân sự hiện đại của TQ.

Sang tháng 11, không quân hai nước tiếp tục có các đợt tuần tra chung ở châu Á - Thái Bình Dương, cụ thể là trên biển Nhật Bản và biển Hoa Đông. Đến ngày 23-11, quan chức hai bên ký bản lộ trình hợp tác quốc phòng phòng bền chặt giai đoạn 2021-2025. Bộ Quốc phòng Nga sau đó có tuyên bố đánh giá cao các cuộc tập trận chung giữa hai nước, khẳng định Nga và TQ cần tăng cường tương tác trên bộ, trên biển và trên không.

Không chỉ về quân sự, hợp tác Nga - TQ còn lan sang các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh mạng, công nghệ, thám hiểm không gian - điều hiếm khi xảy ra bên ngoài một liên minh chính thức, qua đó giúp nâng quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.

Về mặt chính trị, Nga và TQ cùng bắt tay ứng phó với tình hình Afghanistan và tạo ra một mặt trận thống nhất tại Liên Hợp Quốc khi giải quyết một số vấn đề nóng, chẳng hạn như đề nghị dỡ bỏ trừng phạt nhắm vào CHDCND Triều Tiên, Venezuela và Iran. TQ cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga, đáp lại Moscow ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan.

Về mặt kinh tế, TQ tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu của Nga. Hai bên đã hoàn thành một số dự án cơ sở hạ tầng xuyên biên giới và có kim ngạch thương mại song phương vượt 100 tỉ USD trong ba quý đầu năm 2021.

Năm 2021 cũng đánh dấu một mốc quan trọng về hợp tác năng lượng với việc hai bên khởi động các dự án năng lượng hạt nhân chung. Nga hiện là nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho TQ, đứng thứ hai về cung cấp dầu thô. TQ cũng là đối tác hàng đầu khi là nước rót vốn chủ yếu cho các dự án năng lượng lớn của Nga, nổi bật là nhà máy sản xuất khí hóa lỏng (LNG) Yamal ở Bắc Cực và tuyến đường ống khí đốt Siberia.•

Lo ngại trước mắt khi Trung - Nga hợp tác

Tờ The Independent dẫn lời Đô đốc hải quân Hoàng gia Anh Tony Radakin nhận định biến đổi khí hậu toàn cầu “đã mở ra các tuyến hàng hải mới trên khắp thế giới, giúp giảm một nửa thời gian di chuyển bằng đường biển giữa châu Á và châu Âu”. Chẳng hạn, tuyến hàng hải phía bắc chạy theo vùng biển ngoài khơi nước Nga, xuyên qua Bắc Băng Dương đến châu Âu nay đã có thể dễ dàng đi lại mà không cần tàu phá băng như trước.

Trong điều kiện như vậy, TQ với lực lượng tàu chiến ngày một hùng hậu có thể dễ dàng tiếp cận châu Âu từ nhiều hướng. Tuyến hàng hải phía bắc, băng qua Bắc Băng Dương, rút ngắn thời gian 10-12 ngày so với tuyến hàng hải phía nam truyền thống (từ TQ đi đến Biển Đông, lần lượt qua eo biển Malacca, Ấn Độ Dương rồi đến châu Âu).

“Đáng lo ngại hơn, tuyến hàng hải phương bắc còn là một bộ phận chính trong sáng kiến Vành đai - Con đường mà TQ đang theo đuổi nhằm mục tiêu thống trị thương mại khu vực Á - Âu. Nếu TQ và Nga cùng lúc hợp tác và tìm cách loại các nước khác khỏi tuyến hàng hải này thì tổn thất không chỉ dừng ở lĩnh vực quân sự mà thương mại cũng sẽ bị ảnh hưởng” - ông Radakin cảnh báo.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm