Hong Kong sẽ lập đội cảnh sát đặc biệt thực thi luật an ninh

Cảnh sát Hong Kong sẽ lập một đơn vị đặc biệt để thực thi luật an ninh quốc gia một khi chính phủ đại lục chính thức áp lên đặc khu, Giám đốc cơ quan an ninh Hong Kong -  ông John Lee Ka-chiu cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền báo South China Morning Post ngày 9-6.

Sẽ hoạt động “ngay từ ngày đầu” luật an ninh có hiệu lực

Theo ông John Lee Ka-chiu, đơn vị cảnh sát đặc biệt này sẽ do Cảnh sát trưởng đặc khu là ông Chris Tang Ping-keung chỉ huy và sẽ hoạt động “ngay từ ngày đầu” luật an ninh có hiệu lực. Trong số các đầu việc của đơn vị này có thu thập thông tin tình báo, điều tra và huấn luyện năng lực tác chiến.

“Cảnh sát Hong Kong sẽ thành lập một đơn vị đặc biệt để tư duy cách áp dụng luật vào từng tình huống thực sự, và để thu thập thông tin tình báo và chứng cứ liên quan đến các hoạt động trái phép như được mô tả trong luật” – South China Morning Post dẫn lời ông John Lee Ka-chiu.

“Đơn vị mới sẽ có khả năng thu thập thông tin tình báo, chúng tôi sẽ có năng lực điều tra, chúng tôi sẽ có một lực lượng hành động. Chúng tôi cũng có một chiến lược cho sự phát triển dài hạn của đơn vị đặc biệt này” – ông John Lee Ka-chiu nói.

Cảnh sát chống bạo động chặn bắt một người biểu tình ở Hong Kong ngày 9-6 nhằm kỷ niệm một năm làn sóng biểu tình phản đối dự luật dẫn độ. Ảnh: Tyrone Siu/REUTERS

Theo ông John Lee Ka-chiu, đơn vị đặc biệt này có thể sẽ bắt đầu với “một số lượng nhân viên” và con số này sẽ tăng dần theo nhu cầu.

“Tôi có niềm tin mạnh về năng lực thực thi luật pháp của cảnh sát Hong Kong, nhưng chuyện an ninh quốc gia là chủ đề phức tạp” – ông John Lee Ka-chiu nói về kế hoạch lập đơn vị cảnh sát đặc biệt.

Sẽ phối hợp chặt với đại lục

Ngày 30-5, Bộ Công an Trung Quốc cho biết sẽ hướng dẫn và hỗ trợ cảnh sát Hong Kong trong chuyện bảo vệ an ninh quốc gia.

“Tôi chắc chắn chính phủ đại lục có mạng lưới thu thập tình báo rộng hơn nhiều và năng lực phân tích cao hơn nhiều. Họ có cái nhìn toàn cảnh cho mọi thứ. Vì thế họ sẽ cho chúng ta biết toàn thể bức tranh, khi chúng ta với tư cách một TP có thể không có khả năng sử dụng thông tin” – theo ông John Lee Ka-chiu.

Tuy nhiên ông John Lee Ka-chiu không nói rõ liệu cảnh sát Hong Kong sẽ phối hợp thế nào với cơ quan mới mà nhà chức trách đại lục định lập ở đặc khu sau khi có luật an ninh quốc gia. Ông cũng từ chối nói chi tiết về quan hệ làm việc giữa cảnh sát Hong Kong và các đặc vụ đại lục sẽ hoạt động ở đặc khu, hay liệu các đặc vụ có thực thi luật an ninh ở đặc khu hay không.

Cảnh sát chống bạo động đối phó cuộc biểu tình ngày 9-6 nhằm kỷ niệm một năm làn sóng biểu tình phản đối dự luật dẫn độ. Ảnh: Anthony Kwan/GETTY IMAGES

Ông John Lee Ka-chiu chỉ nói có những nguyên tắc chung mà mọi cá nhân thực thi luật pháp ở Hong Kong phải tuân thủ, trong đó có suy đoán vô tội, quyền im lặng, quyền có luật sư biện hộ.

Ông John Lee Ka-chiu cũng cho biết cảnh sát Hong Kong sẽ chia sẻ thông tin tình báo với các đồng nghiệp ở đại lục trong quá trình thực thi luật an ninh, như hiện tại họ vẫn làm.

Cũng theo ông John Lee Ka-chiu, Ủy ban An ninh Quốc gia Macau (thành lập từ năm 2018) sẽ là một “sự tham khảo tốt” trong quá trình Hong Kong thực thi luật an ninh. Trong Ủy ban An ninh Quốc gia Macau có các lãnh đạo cấp cao từ các cơ quan an ninh, cảnh sát và tư pháp và hoạt động dưới quyền Trưởng đặc khu Macau.

Luật an ninh khả năng sẽ được thông qua vào tuần tới

Một tuần trước ông John Lee Ka-chiu có đi cùng Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga sang Bắc Kinh. Tại đây hai quan chức này đã cùng bàn về luật an ninh mới với nhiều quan chức hàng đầu đại lục. Theo South China Morning Post, khả năng lớn luật sẽ được phía đại lục thông qua vào tuần tới.

Quốc hội Trung Quốc đã thông qua nghị quyết soạn thảo luật an ninh quốc gia cho Hong Kong từ ngày 28-5, nhằm ngăn chặn các hành động ly khai, lật đổ, khủng bố, và sự can thiệp từ bên ngoài vào chuyện nội bộ đặc khu. Theo luật thì chính quyền Hong Kong sẽ phải thành lập một số cơ quan mới để bảo vệ an ninh quốc gia và cho phép các cơ quan đại lục hoạt động ở Hong Kong “khi cần thiết”.

Động thái này gây lo ngại rằng luật có thể “tội phạm hóa” mọi hình thức hoạt động phản đối, chống đối, dù chính quyền từng nhiều lần đảm bảo rằng luật chỉ nhắm đến bộ phận tội phạm thực sự. Khả năng đại lục đưa các cơ quan vào Hong Kong thực thi luật cũng gây lo ngại không ít.

Về sự kiện kỷ niệm một năm biểu tình phản đối dự luật dẫn độ (bắt đầu ngày 9-6-2019), ông John Lee Ka-chiu nói ông không có gì hối tiếc chuyện giới thiệu dự luật dẫn độ này. Ông John Lee Ka-chiu khẳng định ông làm vậy “vì công lý” và nếu thời gian có quay ngược trở lại thì ông vẫn sẽ làm vậy.

Dự luật dẫn độ cho phép áp giải nghi phạm từ Hong Kong sang các nước và vùng lãnh thổ mà đặc khu này không có ký thỏa thuận dẫn độ (trong đó có Trung Quốc đại lục) xét xử. Trước làn sóng biểu tình quy mô và lâu dài, chính quyền Hong Kong đã phải hủy bỏ dự luật.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm