Hong Kong đối mặt nguy cơ 'chảy máu chất xám' tiềm ẩn

Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy Hong Kong có thể có nguy cơ chảy máu chất xám trong năm năm tới, khi gần 25% cư dân dưới 35 tuổi có trình độ đại học đang có kế hoạch rời khỏi đặc khu này để đi làm việc ở nơi khác, tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 14-3 đưa tin.

Đây là kết quả của cuộc khảo sát, do trung tâm nghiên cứu Youth Ideas thuộc Liên đoàn các nhóm thanh niên Hong Kong thực hiện, được công bố hôm 14-3.

Cuộc khảo sát trên được đưa ra trong bối cảnh một số nước, như Anh và Canada, đang nới lỏng chính sách nhập cư đối với người dân Hong Kong nhằm đối phó luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh đưa ra đối với Hong Kong, được cho là sẽ hạn chế các quyền và tự do của người dân tại đây.

Nguy cơ chảy máu chất xám tiềm ẩn

Youth Ideas đã tiến hành cuộc khảo sát “Giải quyết tình trạng chảy máu chất xám ở Hong Kong” đối với 1.135 người dân Hong Kong có độ tuổi từ 34 tuổi trở xuống, có trình độ đại học hoặc sau đại học, trong khoảng thời gian từ ngày 16-1 đến ngày 2-2.

Hong Kong đối mặt nguy cơ 'chảy máu chất xám' tiềm ẩn. Ảnh: SAM TSANG

Kết quả cuộc khảo sát cho thấy 24,2% người được hỏi cho biết họ có kế hoạch kiếm việc làm bên ngoài Hong Kong trong năm năm tới. Những nước được cư dân Hong Kong lựa chọn là Anh, Úc, New Zealand, châu Âu và châu Mỹ.

Những lý do chính khiến họ chọn làm việc ở nơi khác bao gồm “cân bằng giữa công việc và cuộc sống” (41,5%), “kế hoạch di cư” (36,7%), và “sự ổn định xã hội và chính trị” (34,9%).

Trong số những người tham gia khảo sát, 15,8% cho biết họ không có kế hoạch trở lại Hong Kong, trong khi 12,6% khác nói rằng họ có thể cân nhắc trở lại sau khi có được thường trú nhân tại nước sở tại hoặc đảm bảo có được quốc tịch nước ngoài.

Khi được hỏi điều gì sẽ khiến họ cân nhắc quay lại hoặc ở lại làm việc tại Hong Kong, ba yếu tố hàng đầu là “mức lương hấp dẫn” (41,6%), “bảo vệ tốt hơn các quyền tự do cá nhân” (38,1%) và “cơ hội phát triển thỏa đáng” (35,8 %).

Theo khảo sát, khoảng 2/3 cư dân Hong Kong tham gia cho biết kiếm được hơn 2.580 USD/tháng, trong đó 14,8% là kiếm được hơn 5.160 USD/tháng.

Theo báo cáo của Cục Lao động và Phúc lợi năm 2019 về dự báo nhân lực đến năm 2027, Hong Kong được dự báo sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực tổng thể là 169.700 lao động vào năm 2027. Các phân tích sâu hơn cho thấy Hong Kong sẽ thiếu 34.600 công nhân lành nghề có trình độ đại học vào năm 2027.

Đâu là giải pháp?

SCMP dẫn lời nhà nghiên cứu Amy Yuen Siu-man thuộc Liên đoàn các nhóm thanh niên Hong Kong kêu gọi chính quyền đặc khu Hong Kong cần ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám tiềm ẩn.

“Các văn phòng thương mại Hong Kong ở nước ngoài nên liên hệ sát sao hơn với những người Hong Kong đang làm việc ở đó và khuyến khích họ quay trở lại làm việc tại Hong Kong” - bà Yuen nói.

“Chính quyền cũng có thể xem xét trợ cấp cho những người sẵn sàng quay trở lại làm việc tại đây, đặc biệt là những người đã hoàn thành chương trình học ở nước ngoài” - bà nói thêm.

Hong Kong đối mặt nguy cơ 'chảy máu chất xám' tiềm ẩn. Ảnh: WARTON LI

Bà Yuen cũng kêu gọi các công ty địa phương thay đổi văn hóa doanh nghiệp để phù hợp với việc làm việc từ xa.

Bà lý giải rằng: “Nhiều doanh nghiệp Hong Kong vẫn đang bám sát cách điều hành kinh doanh cũ, như yêu cầu nhân viên ở lại văn phòng từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều để làm việc. Nếu không thay đổi, họ khó có thể thu hút được nhân tài từ nước ngoài”.

Trước đó, Youth Ideas hồi tháng 1 cũng đã công bố kết quả một cuộc khảo sát cho thấy khoảng 29% trong số 525 thanh niên được hỏi đã cân nhắc việc di cư ra nước ngoài, trong khi 71,4% tin rằng chính quyền không chú trọng nhiều đến việc khuyến khích thanh niên phát triển tại địa phương.

Theo SCMP, cuộc khảo sát trên được đưa ra trong bối cảnh Canada và Anh đang mở ra những con đường mới giúp người dân Hong Kong có thể trở thành thường trú nhân tại hai nước này.

Anh hồi tháng 1 đã mở chương trình thị thực (visa) mới đối với người dân Hong Kong. Theo đó, người có hộ chiếu hải ngoại Anh (BNO) và những người phụ thuộc có thể nộp đơn xin visa cho phép họ sinh sống, học tập và làm việc tại Anh. Sau năm năm, những người này có thể nộp đơn xin nhập quốc tịch Anh.

Chính phủ Anh dự kiến sẽ có khoảng 300.000 người Hong Kong giữ hộ chiếu BNO và người phụ thuộc đến nước này.

Hồi tháng 11-2020, Canada đã công bố quy định thị thực mới, cho phép bất cứ cư dân Hong Kong nào tốt nghiệp tại một trường đại học Canada trong vòng năm năm trở lại đây được đăng ký giấy phép lao động có thời hạn ba năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm