Hội thảo về biển Đông: Luật pháp quốc tế vẫn trên hết

Vai trò của luật pháp quốc tế trong tranh chấp biển Đông là chủ điểm thảo luận tại hội thảo với chủ đề Kiểm soát căng thẳng ở biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược của Mỹ (CSIS) tổ chức ở thủ đô Washington D.C (Mỹ) ngày 6-6 (giờ địa phương).

Đài truyền hình ABS-CBN (Philippines) đưa tin tại hội thảo, GS Peter Dutton, Giám đốc Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc thuộc ĐH Chiến tranh hải quân Mỹ, ghi nhận trong giải quyết tranh chấp ở biển Đông, Trung Quốc từ chối vận dụng Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) bởi vì biết các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông không được luật pháp quốc tế ủng hộ.

Ông lưu ý một số quốc gia đã lẩn tránh các chuẩn mực quốc tế khi các chuẩn mực này không đáp ứng mục tiêu của họ và các quốc gia này cho rằng có đủ quyền lực để tự bảo vệ từ hành vi không tuân thủ các chuẩn mực quốc tế.

GS Peter Dutton nhấn mạnh: “Không phải lịch sử, không phải quyền lực mà là luật pháp quốc tế phải được sử dụng để quyết định các vấn đề ở biển Đông”.

Hội thảo về biển Đông: Luật pháp quốc tế vẫn trên hết ảnh 1

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Samuel Locklear đến Philippines ngày 7-6. Ảnh: QUÂN ĐỘI PHILIPPINES

TS Nguyễn Đăng Thắng ở Hội Luật gia Việt Nam phát biểu sẽ không xảy ra căng thẳng ở biển Đông nếu các bên tranh chấp tuân thủ UNCLOS.

Ông Thắng nhấn mạnh Trung Quốc không thể chọn lựa các điều khoản mà phải áp dụng đầy đủ UNCLOS.

Phát biểu này nhằm ám chỉ Trung Quốc đã từng ra tuyên bố vào năm 2006 khước từ các thủ tục được quy định theo mục 2, phần XV của UNCLOS liên quan đến các tranh chấp về hoạch định ranh giới các vùng biển hay tranh chấp về vịnh hay danh nghĩa lịch sử.

TS Nguyễn Đăng Thắng khẳng định không có cơ sở pháp lý rõ ràng nào trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.

Trong khi đó, ông Henry S. Bensurto, Tổng Thư ký Ủy ban Các vấn đề biển và đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Philippines, cho rằng bất kỳ cơ chế quản lý tranh chấp nào ở biển Đông phải dựa trên luật pháp quốc tế.

Ông bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông, đặc biệt là tuyên bố đường chín đoạn (đường lưỡi bò). Ông nói Trung Quốc tuyên bố các quyền lịch sử đối với thềm lục địa ở biển Đông là phi lý vì thềm lục địa là khái niệm hiện đại.

Chuyên gia Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về khu vực châu Á của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược của Mỹ, hoan nghênh Philippines đã đưa vụ tranh chấp ở biển Đông ra Tòa án trọng tài quốc tế.

Bà cho rằng các nước cần đưa tranh chấp ra các tòa án quốc tế để dàn xếp. Bên cạnh đó, bà cũng bày tỏ thất vọng vì ASEAN giữ im lặng đối với vấn đề tranh chấp bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines.

PGS Trương Tân Quân ở ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) chống chế rằng lập luận của Trung Quốc phản đối vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài quốc tế là hợp lý dựa trên Điều 286 của UNCLOS. Ông lặp lại luận điệu bấy lâu nay của Trung Quốc là Philippines và Trung Quốc phải dàn xếp tranh chấp ở biển Đông thông qua đàm phán song phương.

Ngày 7-6 tại Manila (Philippines), Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, đã hội đàm kín với Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin và Tổng Tham mưu trưởng Emmanuel Bautista. Bộ Quốc phòng Philippines thông báo tại hội đàm, Đô đốc Samuel Locklear nhấn mạnh Mỹ phản đối các hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng ở biển Đông. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về các biện pháp mà Mỹ có thể giúp Philippines nâng cao năng lực quân đội.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm