Hội nghị cấp cao ASEAN 18: Hợp tác giải quyết tranh chấp biển Đông

Chiều ngày 8-5, hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 18 tại Jakarta (Indonesia) kết thúc. Hội nghị đã thông qua dự thảo tuyên bố chung của nước chủ tịch ASEAN Indonesia. Tuyên bố chung gồm ba điểm chính:

- Xây dựng cộng đồng ASEAN trong một cộng đồng các quốc gia toàn cầu, trong đó yêu cầu xây dựng một diễn đàn chung cho các vấn đề toàn cầu vào năm 2022.

- Xây dựng Viện ASEAN vì hòa bình và hòa giải của ASEAN nhằm tăng cường năng lực của ASEAN trong bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, trong đó bao gồm giải quyết và đối phó xung đột.

- Tăng cường hợp tác chống buôn người ở Đông Nam Á.

Trong ngày hội nghị thứ hai, các vấn đề nổi bật được thảo luận gồm tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa ở biển Đông, đề nghị tiếp quản vai trò chủ tịch ASEAN của Myanmar, vai trò thành viên của Đông Timor và nạn buôn người trong ASEAN.

Hội nghị cấp cao ASEAN 18: Hợp tác giải quyết tranh chấp biển Đông ảnh 1

Ngày 8-5 tại Jakarta (Indonesia), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên họp hẹp cấp cao ASEAN 18. Ảnh: TTXVN

Các nước ASEAN thống nhất hợp tác để chấm dứt chín năm bất đồng về chủ quyền quần đảo Trường Sa giữa Trung Quốc và bốn nước thành viên ASEAN gồm Malaysia, Phillipines, Brunei và Việt Nam. ASEAN nhận định vấn đề tranh chấp ở biển Đông có nguy cơ làm suy yếu tình hình ổn định khu vực.

Các nước ASEAN cũng đồng ý xem xét cẩn thận và thấu đáo đề nghị của Myanmar vì Myanmar phát triển ổn định, tiến bộ chính trị và cam kết cống hiến vào quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN. Quyết định sẽ được công bố tại hội nghị cấp cao 19 ở Bali (Indonesia) vào tháng 10.

ASEAN vẫn chưa đưa ra quyết định chấp nhận Đông Timor là nước thành viên.

Sáng cùng ngày, bên lề hội nghị, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva và bộ trưởng Ngoại giao ba nước đã họp bàn về tranh chấp ở biên giới Campuchia-Thái Lan.

Vấn đề vẫn chưa được giải quyết sau gần một giờ thảo luận. Thủ tướng Hun Sen không đồng ý rút quân và yêu cầu Thái Lan tuân theo thỏa thuận trước đây là đồng ý cho các quan sát viên Indonesia vào giám sát. Hai bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan và Campuchia sẽ ở lại Indonesia tiếp tục thảo luận ngày 9-5.

Sáng 8-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp xúc với Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Indonesia đối xử với các ngư dân Việt Nam bị bắt giữ. Hai lãnh đạo nhất trí cùng chỉ đạo để giải quyết dứt điểm vấn đề này. Về biển Đông, hai lãnh đạo nhất trí cần thúc đẩy thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), nhanh chóng hoàn tất Quy tắc hướng dẫn về DOC và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Hôm trước đó, Thủ tướng Lào Thoongsing Thammavong đã thông báo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Lào quyết định tạm dừng dự án thủy điện Xayaburi. Hai lãnh đạo nhất trí thúc đẩy nghiên cứu trong khuôn khổ Ủy hội Sông Mekong và có thể mời các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu. Trong cuộc tiếp xúc giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva, hai lãnh đạo cũng đã trao đổi về hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

KHÁNH UYÊN (Theo aseansummit.org, MCOT, The Jakarta Post)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm