Hội đồng Bảo an LHQ trừng phạt Iran

Sau sáu tháng tranh luận, ngày 9-6, năm nước thành viên thường trực và 10 nước thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết mới trừng phạt Iran. Trước đây, Hội đồng Bảo an đã ban hành ba nghị quyết trong những năm 2006, 2007, 2008.

Hai nước Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu chống. Lebanon bỏ phiếu trắng. Hồi tháng 3, Thủ tướng Lebanon Saad Hariri tuyên bố ủng hộ quyền theo đuổi chương trình hạt nhân vì hòa bình của bất kỳ nước nào.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil, giữa tháng 5, qua trung gian của Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã nhất trí Iran sẽ chuyển 1.200 kg uranium làm giàu thấp sang Thổ Nhĩ Kỳ, đổi lại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chuyển uranium làm giàu cao cho Iran nghiên cứu y học. Do đó, hai nước không tham dự hai tuần tranh luận cuối cùng của Hội đồng Bảo an bàn về nghị quyết trừng phạt Iran.

Hội đồng Bảo an LHQ trừng phạt Iran ảnh 1

Biếm họa của Paresh Nath, báo NATIONAL HERALD của Ấn Độ. (Chữ trong ảnh: U.N. Sanctions=Biện pháp trừng phạt của LHQ, US=Mỹ, Russia=Nga, UK=Anh, France=Pháp, China=Trung Quốc)

Để được Nga và Trung Quốc nhất trí, nội dung dự thảo nghị quyết đã được sửa đổi lại theo hướng giảm nhẹ hơn so với dự thảo ban đầu. Nghị quyết mới gồm một số điểm chính như sau:

- Cấm Iran đầu tư làm giàu uranium và phát triển tên lửa đạn đạo.

- Bổ sung thêm máy bay trực thăng chiến đấu và tên lửa vào danh sách vũ khí hạng nặng cấm Iran mua.

- Mọi tàu thuyền, máy bay của Iran nghi ngờ chở vật liệu phục vụ cho chương trình hạt nhân và vũ khí cấm sẽ bị các nước ngăn chặn và kiểm tra. Tàu thuyền và máy bay cũng không được tiếp nhiên liệu tại các nước.

- Kêu gọi các nước ngưng giao dịch tài chính với Iran. Iran không được mở chi nhánh ngân hàng ở các nước. Các nước cũng không được mở chi nhánh ngân hàng ở Iran nếu nghi ngờ ngân hàng có giao dịch liên quan đến chương trình hạt nhân Iran.

- Phong tỏa tài sản và giới hạn đi lại đối với các cá nhân và công ty, tổ chức có liên hệ đến lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo của Iran. Ngoài 40 cá nhân bị trừng phạt trước đây, bổ sung thêm ông Javad Rahiqi, Giám đốc Trung tâm Công nghệ hạt nhân thuộc Tổ chức Năng lượng hạt nhân Iran.

- Đề nghị Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế tiếp tục giám sát làm rõ mục đích của chương trình hạt nhân Iran.

Đại sứ Iran tại LHQ Mohammad Khazaee cảnh báo Iran sẽ có phản ứng thích hợp, đồng thời cho rằng việc Mỹ và các nước đồng minh nỗ lực vận động thông qua nghị quyết trừng phạt Iran chứng tỏ các nước này không có thiện chí đàm phán.

Giữa tháng 5, Nga và Trung Quốc là hai nước cuối cùng trong năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ đồng ý trừng phạt Iran.

Ngày 8-6, Bộ Ngoại giao Iran đã triệu tập đại sứ Thụy Sĩ (đại diện Mỹ tại Iran) để trưng chứng cứ chứng minh nhà khoa học người Iran Shahram Amiri bị Mỹ bắt cóc. Năm ngoái, nạn nhân mất tích trong khi đi hành hương ở Saudi Arabia. Iran cũng khẳng định sẽ không trao đổi ba công dân Mỹ đang bị giam giữ tại Iran về tội xâm nhập trái phép để đổi lấy tự do cho ông Shahram Amiri. Cùng ngày, hai đoạn phim trái ngược nhau về ông Shahram Amiri được phát trên YouTube. Trong một đoạn phim, ông cho biết bị bắt cóc đưa về Mỹ một năm trước, hiện ở Tucson, bang Arizona và bị tra tấn nặng nề. Ở đoạn phim thứ hai, ông nói rất thoải mái ở Mỹ và muốn ở lại Mỹ.

ĐĂNG KHOA (Theo Bloomberg, AP, Reuters, RIA Novosti)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm