Học giả Trung Quốc tuyên bố 'cải tạo đảo không gây hại môi trường' (?!)

Cải tạo đảo không làm ảnh hưởng môi trường!?
Chủ tịch Viện Quốc gia Trung Quốc về biển Đông Wu Shicun nói rằng các biện pháp bảo vệ sinh thái nghiêm ngặt luôn được đặt lên hàng đầu đối với việc xây dựng mà Trung Quốc tiến hành trên bảy bãi đá ở biển Đông.

Những "đặc tính xây dựng môi trường xanh" của dự án "đảm bảo phạm vi khu vực bị ảnh hưởng là ít nhất có thể, khoảng thời gian xây dựng càng ngắn càng tốt và mức độ tác động là tối thiểu", báo ABC dẫn lời ông Wu.

 Chủ tịch Viện Quốc gia Trung Quốc về biển Đông Wu Shicun. (Ảnh: en.nanhai.org)

Trong một nỗ lực nhằm xoa dịu những lo ngại về môi trường, ông cho biết việc xây dựng được tiến hành trên những bãi đá "đã chết rồi". Ông Wu cho biết vật liệu được nạo vét để xây dựng các công trình cũng là những "mảnh vụn san hô đã chết".
Quan điểm của Trung Quốc không đáng tin cậy
Tuy nhiên, hãng ABC cho biết tốc độ và quy mô xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh trong ba năm qua đã gây ra những quan ngại về ngoại giao và môi trường sinh thải biển ngày càng tăng.
"Một đảo san hô không thể trở về hiện trạng như trước một khi bề mặt của nó được bao phủ bằng bùn và cát để tạo ra một đường băng" - Terry Hughes, một nhà sinh vật học biển tại Đại học James Cook (Úc) cho biết.
"Về mặt khoa học, việc tuyên bố các dự án nạo vét lớn ở biển Đông không có tác động lên môi trường là không đáng tin cậy" – ông Terry Hughes nhấn mạnh. Nói cách khác, việc cải tạo đảo mà Trung Quốc tiến hành thời gian qua gây ra những tác động tiêu cực lớn đối với môi trường.

Các chuyên gia biển trước đó đã cảnh báo rằng những sinh vật góp phần tạo nên sự phong phú của các đảo san hô cùng với các sinh vật biển lớn có thể bị tiêu diệt khi cát được nạo vét từ bên trong các đảo san hô. Tuy nhiên, việc xây dựng của Trung Quốc hiện vẫn không cho thấy dấu hiệu chậm lại.

 Trung Quốc bồi đắp và xây dựng đường băng trái phép trên đá chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: CSIS)

John McManus, một nhà sinh vật học biển thuộc Đại học Miami (Mỹ) nói rằng hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc "đã làm quá trình mất đi vĩnh viễn các bãi san hô diễn ra nhanh nhất trong lịch sử nhân loại". Chuyên gia cho biết bên cạnh khu vực các tiền đồn, một khu vực san hô rộng lớn đã bị tàn phá do việc nạo vét cát để xây đảo.
Trong một nghiên cứu hồi tháng 4-2015 của Trường Quốc tế học S. Rajaratnam (Singapore), nhà khoa học biển Youna Lyons thấy rằng: "Các bãi san hô mà con người không tác động tới nhiều thế kỷ trước đây giờ đã biến mất sau khi Trung Quốc xây đảo nhân tạo".
"Quy mô của việc nạo vét liên tục các đảo, các bãi san hô không có người ở tại biển Đông là chưa từng có trong lịch sử loài người gần đây" – bà Lyons nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm