Hầu hết dân châu Âu nghĩ rằng nhập cư liên quan đến khủng bố

Theo Reuters, cuộc thăm dò được thực hiện đối với 11.494 người từ ngày 4-4 đến 12-5, tức trước khi Anh tổ chức trưng cầu ý dân để rời EU và trước khi xảy ra vụ tấn công sân bay Ataturk ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Kết quả thăm dò được công bố ngày 11-7 (giờ địa phương) cho thấy 76% số người được hỏi tại Hungary cho rằng người di cư làm gia tăng tỉ lệ khủng bố ở nước họ. Số người có cùng suy nghĩ như thế ở Ba Lan chiếm 71% số người được hỏi, 61% ở Đức, 52% ở Anh và 46% ở Pháp. Tính trung bình trong 10 nước châu Âu, tỉ lệ này đạt 59%.

Dân Syria chạy loạn trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ.  Ảnh: GETTY IMAGES

Với câu hỏi người di cư có phải là gánh nặng vì họ chiếm việc làm và lợi ích xã hội ở địa phương, 82% số người được hỏi ở Hungary và 31% số người được hỏi ở Đức nghĩ như thế. Tỉ lệ trung bình là 50% cho 10 nước châu Âu.

Gần 50% số người được hỏi ở Ý và Thụy Điển đều nghĩ rằng người di cư thuộc nhóm đối tượng phải chịu trách nhiệm về các hành vi phạm tội nhiều hơn các nhóm đối tượng khác. Trong khi đó, chỉ 13% số người được hỏi ở Tây Ban Nha suy nghĩ như thế.

Với câu hỏi về các tín đồ Hồi giáo trong nước mình, các ý kiến ở các nước Đông Âu và Nam Âu tỏ ra phản đối nhiều hơn hết. Khoảng 2/3 số người được hỏi ở Ba Lan cũng như ở Hungary, Hy Lạp, Ý đưa ra ý kiến không thuận lợi đối với người Hồi giáo. Ngược lại, chỉ có chưa tới 1/3 số người được hỏi ở Pháp, Đức, Anh chia sẻ suy nghĩ này.

Đối chiếu với kết quả một cuộc thăm dò vào năm 2005, ở Đức hiện có 32% số người được hỏi cho rằng người nhập cư Hồi giáo mong muốn hòa nhập với phong tục tập quán địa phương trong khi năm 2005 chỉ 9%. Ở Pháp cũng thế, tỉ lệ hiện nay là 43% so với 32% cách đây 11 năm. Ngược lại, gần 2/3 số người được hỏi ở Hy Lạp và Hungary lại cho rằng người nhập cư Hồi giáo cứ muốn sống ngoài lề thói xã hội địa phương.

Cuối cùng thì ít có người dân châu Âu nào nghĩ rằng tính chất đa dạng xã hội gia tăng sẽ mang lại tác động tích cực cho quốc gia. 36% số người được hỏi suy nghĩ như thế, chỉ có đa số dân Thụy Điển suy nghĩ khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm