Hàn Quốc đối phó tàu sân bay Trung Quốc

Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố phát triển chương trình tàu sân bay và thử nghiệm tàu sân bay Thi Lang, chính phủ Hàn Quốc không bày tỏ phản ứng nào. Điều này không có nghĩa Hàn Quốc không âu lo khi Trung Quốc đang bước vào kỷ nguyên của tàu sân bay.

Báo JoongAng Daily (Hàn Quốc) ngày 17-8 đã đăng bài bình luận của Giáo sư Lee Seok-soo ở ĐH Quốc phòng quốc gia Hàn Quốc.

Bài viết với nhan đề “Mối đe dọa của tàu sân bay Trung Quốc” nhận định thật khó xác thực khả năng quân sự của tàu sân bay Thi Lang nhưng tàu được cho là có trang bị hệ thống tên lửa đối không, radar và hệ thống phòng vệ tương tự hệ thống tác chiến Aegis.

Giáo sư Lee Seok-soo phân tích, ngoài các lý do liên quan đến uy tín chính trị và phát triển kinh tế, Trung Quốc phát triển tàu sân bay còn vì một lẽ rất rõ ràng. Đó là tăng cường sức mạnh quân sự trên biển trong bối cảnh vấn đề tranh chấp lãnh hải ngày một nghiêm trọng.

Hàn Quốc đối phó tàu sân bay Trung Quốc ảnh 1

Trong ngày Trung Quốc chạy thử tàu sân bay (10-8), lãnh thổ Đài Loan trưng bày tên lửa chống hạm Hùng Phong III tại Triển lãm Hàng không vũ trụ và công nghệ quốc phòng ở Đài Bắc. Sau mô hình tên lửa có hình ảnh mô tả tên lửa bắn tàu sân bay. Ảnh: AFP

Theo Giáo sư Lee Seok-soo, sự kiện Trung Quốc đưa vào sử dụng tàu sân bay Thi Lang không chỉ gây quan ngại cho Mỹ, Nhật, Việt Nam, Philippines mà còn đặt ra những thách thức chiến lược trong giai đoạn trung hạn và dài hạn đối với Hàn Quốc. Trong trường hợp khẩn cấp ở bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc có thể đối đầu hoặc ngăn cản tàu sân bay Mỹ tiếp cận khu vực này.

Giáo sư Lee Seok-soo kết luận trước sự kiện Trung Quốc bước vào kỷ nguyên tàu sân bay, Hàn Quốc cần phải có cách thức đối phó về chiến lược linh động hơn và khôn ngoan hơn.

Nhật báo Chosun Ilbo (Hàn Quốc) cũng có bài phân tích với nhan đề “Hàn Quốc sẽ đáp trả tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc như thế nào?”. Theo bài báo, giới quân sự Hàn Quốc đã kêu gọi chính phủ thẩm định lại các chiến lược quân sự và kế hoạch cắt giảm quân số.

Quân đội lo ngại một khi Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu từ tàu sân bay Thi Lang và tàu hộ tống ở Hoàng Hải, tàu hải quân Hàn Quốc sẽ hoạt động khó khăn hơn. Năng lực không quân cũng sẽ bị ảnh hưởng vì toàn bộ không phận Hàn Quốc nằm trong tầm hoạt động 800 km của máy bay chiến đấu SU-33 (có thể trang bị cho tàu sân bay Thi Lang).

Chuyên gia nghiên cứu Park Chang-kwon ở Viện Phân tích quốc phòng Hàn Quốc nhận định năng lực chống tàu ngầm của Trung Quốc vẫn còn yếu, vậy nên tàu ngầm sẽ là cách đáp trả hiệu quả nhất đối với tàu sân bay. Biển Tây có độ sâu trung bình chỉ 40 m, do đó rất thích hợp cho tàu ngầm nhỏ 300-500 tấn hoạt động. Một quan chức quân sự giấu tên khác nói Hàn Quốc cũng nên xem xét đưa tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đến biển Tây Hàn Quốc vì tàu đã hoạt động hiệu quả ở biển Đông Hàn Quốc (biển Nhật Bản).

110-120 km là tầm bắn của tên lửa siêu thanh đối hạm Kh-31 hoặc K41 được trang bị cho máy bay chiến đấu Trung Quốc. Tên lửa đạt vận tốc 3.080-4.320 km/giờ. Do vậy, các chuyên gia quân sự Hàn Quốc kêu gọi hải quân phải phát triển năng lực tên lửa hành trình siêu thanh đối hạm để có thể tấn công tàu sân bay và tàu ngầm.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm