Hàn Quốc: Chính phủ nhượng bộ, tài xế vẫn biểu tình

Nội dung thông báo như sau: Năm tới, chính phủ sẽ chi 100 tỷ won (1.600 tỷ đồng VN) để mua lại xe tải và giấy phép kinh doanh của tài xế xe tải nhằm cắt giảm số lượng tài xế xe tải đang dư thừa.

Hiện có khoảng 370.000 tài xế xe tải, trong khi nhu cầu chỉ cần 350.000 người. Xe tải quá nhiều, các công ty vận tải tranh nhau giảm giá cước, vì vậy đây là một nguyên nhân cước phí vận tải thấp.

Từ năm tới, chính phủ cũng sẽ trợ cấp 50 tỷ won (800 tỷ đồng VN) cho xe chạy dầu diesel chuyển sang chạy bằng khí gas hóa lỏng.

Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ giảm 50% lệ phí cầu đường cho mọi xe tải chở hàng chạy trên đường cao tốc trong thời gian từ chín giờ tối đến sáu giờ sáng. Trước đây, chỉ có xe tải từ 10 tấn trở lên mới được giảm lệ phí.

Các bộ trưởng cũng cam kết thành lập một văn phòng trực thuộc Văn phòng Thủ tướng để nghiên cứu các tiêu chuẩn về cước phí vận tải.

Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc khẳng định không chấp nhận các yêu sách của giới tài xế xe tải, gồm công nhận quyền lợi lao động đầy đủ, tăng trợ cấp nhiên liệu và tiêu chuẩn hóa cước phí vận tải vào cuối năm nay.

Ngày 18-6, cuộc đình công của giới tài xế xe tải vẫn tiếp tục, bước sang ngày thứ sáu.

z Ngày 16-6, chính phủ Philippines đã phát động quỹ cho vay với lãi suất 0% cho tài xế xe buýt và tài xế xe taxi vay để chuyển động cơ chạy dầu diesel sang chạy khí gas hóa lỏng. Mục đích nhằm giảm chi phí xăng, dầu. Nguồn vốn của quỹ cho vay gồm một tỷ peso (375 tỷ đồng VN).

Nông dân Argentina tiếp tục biểu tình

Đến ngày 18-6, nông dân đã biểu tình tại thủ đô Buenos Aires đúng 100 ngày.

Hôm trước đó, bà Tổng thống Cristina Fernandez tuyên bố sẽ đưa vấn đề thuế lương thực ra Quốc hội thảo luận theo nguyện vọng của nông dân. Dù vậy, lãnh đạo nông dân cho biết vẫn tiếp tục biểu tình đến khi nào giải quyết xong vấn đề thuế.

Tổng thống Cristina Fernandez cũng giải thích chính phủ tăng thuế xuất khẩu lương thực hơn 10% nhằm phân phối lại cho người nghèo lợi nhuận của nông dân thu được từ giá lương thực cao. Tuy nhiên, nông dân không chịu với lý do họ cần dùng tiền lãi để tái đầu tư.

THANH TRÚC (Theo AP)

LÊ LINH (Theo Korea Times, JoongAng Daily)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm